Xế chiều khác biệt

THIÊN THANH| 03/11/2013 08:36

Cuộc xê dịch ấy thật kỳ lạ. Khi đạt đến ngưỡng xế chiều, vợ chồng anh chị đều đã ngoài 50, 60 cả thì họ đối diện với cái "tổ rỗng".

Xế chiều khác biệt

Cuộc xê dịch ấy thật kỳ lạ. Khi đạt đến ngưỡng xế chiều, vợ chồng anh chị đều đã ngoài 50, 60 cả thì họ đối diện với cái "tổ rỗng".

Đọc E-paper

Trong căn nhà bốn tầng nằm ở mặt tiền một quận trung tâm Sài Gòn, anh chị loanh quanh ra vào tính toán, và tính kiểu gì rồi cũng thấy quay lại với một bức tường cao ngất của sự buồn chán.

Chị phát lệnh, chúng mình đi đi. Đi đâu? Chắc ai cũng nghĩ anh chị đi du lịch, ra nước ngoài với con cái ít tháng rồi về. Người ta thấy chị dọn hết đồ đạc, cho thuê toàn bộ căn nhà và lên đường.

Hai vợ chồng về Hội An thuê căn nhà nhỏ có giàn bông giấy rực rỡ và mái ngói nâu cổ. Cứ tưởng anh chị ở đó dưỡng già, ai dè nhận được giấy mời chị khai trương một cửa hàng bán mặt nạ.

Vốn là một họa sĩ tài hoa, anh đã nghiên cứu chất liệu và sản xuất những chiếc mặt nạ bán cho khách du lịch. Công việc đang phát đạt, chị thấy... hết việc để lo, thấy Hội An buồn, chị đòi đi nữa.

Họ để cửa hàng mặt nạ cho nhân viên quản lý, dọn nhà ra Đà Nẵng. Chị ngắm nghía mặt bằng một quán cà phê cũ rồi quyết định sẽ ở đây, chị tự tay pha chế một số món ruột và các loại nước giải khát dinh dưỡng.

Không biết do chất gốc Huế đằm thắm hay thức uống ngon mà quán chị hút khách ngay. Anh chị ở đó, nhân viên trở thành con cháu trong nhà, ngoài quán thì khách hàng trở thành tri âm.

Những cuộc kinh doanh mới gầy dựng này chỉ là để giải trí, cho có chút việc. Khi thăm nơi ở của hai con người này, chẳng ai phải ái ngại cho một tuổi già phiêu bạt. Dù chỉ là căn nhà thuê, chị vẫn đưa về các vật dụng cũ của căn bếp bao năm làm dâu đất Sài Gòn.

Mấy chục mét vuông tiếp khách đầy đủ những bức ảnh gia đình, những tấm bưu thiếp kỷ niệm con gái gửi về từ nước ngoài bao năm trước, những chai lọ lỉnh kỉnh nhưng tạo nên độ bền vững và yên ổn của một không gian gia đình.

Nhìn hàng trăm vật dụng chị tha theo trong chuyến xê dịch xuyên Việt tuổi xế chiều, không ai phải lo lắng cho cuộc sống của anh chị nữa, nó rõ ràng vô cùng ổn định. Rất nhiều người bạn mới thích đến căn phòng khách ấm cúng của anh chị uống trà và trò chuyện.

Khi hỏi chị thấy cuộc sống mới này thế nào, chị luôn cười tươi: "Nó làm mình lo nghĩ, tính toán các vấn đề phát sinh và vì thế lúc nào thấy cũng như còn rất... trẻ!". Quả thật là một suy nghĩ lạ.

Bắt đầu cuộc sống mới ở tuổi ngoài 50, với một căn nhà xa lạ, một thành phố xa lạ, chấp nhận những người bạn mới, cuộc sống ấy hiếm hoi với tính cách người Việt, lấy sự quen thuộc của khoảng vườn cũ, nhà cửa, láng giềng, bà con làm chất nuôi dưỡng tinh thần.

Ấy vậy nên mới có bao gia đình con cái đã lớn, ra thành phố, đi nước ngoài sống vẫn cứ trĩu nặng nỗi niềm lo cha mẹ sống buồn lúc tuổi già. Bao bà mẹ chỉ biết dùng tuổi xế bóng của mình đi chợ nấu ăn, tựa cửa nhớ con, những cuộc điện thoại hối thúc thăm viếng, vô tình chất chứa trên vai con một gánh nặng tinh thần không nguôi.

Cách sống tự chủ tinh thần khi tuổi xế bóng luôn là một bài toán đặt ra cho mỗi gia đình. Người Việt vẫn có suy nghĩ con cái là của để dành cho tuổi già. Suy nghĩ ấy làm nhiều người không chuẩn bị kế hoạch dài hạn khi con cái trưởng thành.

Sự phụ thuộc vào duy nhất điểm tựa con cái đã làm cho nhiều bậc cha mẹ già phải đau buồn khi cuộc sống có những thay đổi. Mà cuộc sống hiện đại, xã hội và gia đình hiện tại đang thay đổi, đảo lộn dữ dội.

Nhiều người có sự chuẩn bị tốt về tài chính lúc nghỉ ngơi, nhưng vẫn để tinh thần phụ thuộc vào công thức truyền thống "tứ đại đồng đường", coi đó là phúc đức gia đình, đến khi không được như ý, hẳn tinh thần tổn thương, đau khổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xế chiều khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO