Vượt qua sự kỳ thị có khó?

HỒNG BÍCH| 23/04/2017 03:39

Sự kỳ thị không hề giảm đi theo bước tiến của văn minh, mà chỉ ngày càng phát huy mạnh hơn nhờ công cụ internet.

Vượt qua sự kỳ thị có khó?

Sự kỳ thị không hề giảm đi theo bước tiến của văn minh, mà chỉ ngày càng phát huy mạnh hơn nhờ công cụ internet.

Đọc E-paper

Không biết thực hư thế nào về tin đồn ông hiệu phó của một trường trung học nhiễm HIV. Lâu lắm rồi chuyện người nào đó nhiễm HIV mới nổi lên trở lại sau cơn sóng sợ hãi cách nay chừng mười lăm năm. Bây giờ người ta lo chuyện ung thư, xơ gan chết còn đau đớn hơn, và ho lao dễ lây lan nhanh chóng hơn HIV. Thế nhưng đây là người đứng đầu một đơn vị sư phạm.

Thế là dư luận trong giáo viên và phụ huynh dấy lên những cơn sóng ngầm. Không đến mức sợ hãi, nhưng tâm lý giống như kỳ thị đang lan ra, họ cảm thấy ngạc nhiên tại sao lại nhiễm HIV, tại sao nhiễm rồi vẫn làm việc bình thường. Có phụ huynh còn thắc mắc tại sao lãnh đạo chưa quyết trường hợp này, để một người mắc căn bệnh đó làm lãnh đạo chẳng hay ho gì!

Đến lúc này chúng ta nhận ra trong thời đại thông tin toàn cầu, mỗi ngày ai cũng có thể ngồi bàn thời sự quốc tế có xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên hay không, nhưng khi vấp phải tình huống như chuyện bệnh nhân HIV thì mới thấy hội nhập chưa giúp được xã hội văn minh, bởi sự kỳ thị sẽ xuất hiện ngay khi có một sự khác biệt ở gần mình. Gần như không có ai nhìn nhận sự kỳ thị đang nảy sinh trong tư tưởng của chính mình và chủ động vượt qua nó.

Sự kỳ thị đang phản ảnh không chỉ nền tảng văn hóa cá nhân, mà gần đây còn được dẫn dắt bởi dư luận xã hội rất cực đoan, mỗi ngày tìm một sự kiện, một cá nhân để "ném gạch" trên mạng.

Sự kỳ thị không hề giảm đi theo bước tiến của văn minh, mà chỉ ngày càng phát huy mạnh hơn nhờ công cụ internet.

>>7 nguyên tắc ứng xử vàng

Ứng xử thế nào trước một vấn đề khác biệt vừa nảy sinh chính là thước đo mức độ văn minh của một cộng đồng. Mỗi lần đến Hội An tôi lại suy nghĩ về điều này. Người Hội An rất lạ. Một đô thị nhỏ xíu và mọi người sinh sống ở đó gần như đều biết nhau, lối sống từ bao đời vô cùng giản dị, gần giống như nông thôn. Bỗng nhiên mười mấy năm nay, người cả thế giới đổ đến du lịch, sinh sống, giao thương, giao lưu văn hóa. Bao nhiêu nền văn hóa, phong tục mới phát sinh. Từ những nhóm sinh viên ăn mặc phóng khoáng đi khắp nơi trong phố, vào cả những nhà thờ tộc tôn nghiêm của dòng tộc, đến những người Hồi giáo áo quần nề nếp, rồi các triệu phú với biết bao đòi hỏi tầng nấc dịch vụ.

Đặc biệt, văn hóa phương Tây với biết bao khác biệt so với lối sống giản dị, nghiêm túc của người Quảng Nam. Thế nhưng, chính sự phát triển ào ạt đó cho thấy người Hội An có nền tảng văn minh rất vững. Làm ăn kiếm sống trong hạnh phúc, đó là tư chất của người địa phương. Hầu hết dân cư ở đây, kể cả người trẻ, vẫn giữ lối sống giản dị, chưa thấy những đứa con lai không bố, không có những dịch vụ nảy sinh tệ nạn, phụ nữ ăn mặc kín đáo, chỉn chu.

Nhưng người Hội An không tẩy chay những phụ nữ từ bỏ gia đình không hạnh phúc để tái hôn với người nước ngoài. Hội An cũng không kỳ thị dòng người lam lũ từ các vùng quê lân cận, từ miền Bắc vào tìm kế sinh nhai ở phố cổ gây xáo trộn trật tự đường phố.

Thậm chí người Hội An khá bao dung, luôn giúp đỡ những người tha phương cầu thực này lúc ngặt nghèo, sẵn sàng chia sẻ khách hàng cho họ. Người Hội An có thể sống với 2 người hàng xóm đến từ vùng quê nghèo khác, vừa sống thoải mái với một hàng xóm khác là một nghệ sĩ đến từ Ý, có lối sinh hoạt vô cùng khác biệt.

Sống không kỳ thị rất khó. Với những cái xấu rõ ràng thì dễ thể hiện thái độ. Nhưng những hiện tượng bất ngờ nảy sinh trong một cộng đồng, như trường hợp ông hiệu phó nhiễm HIV, là một phép thử văn hóa tạo áp lực lên tất cả. Thái độ ứng xử có giúp cho phụ huynh không hài lòng về nơi con họ đang học? Mấy nghìn học sinh nếu như biết thông tin này có nhận ra đây là một cơ hội để học về cách sống bên cạnh một người bệnh đặc biệt, và trưởng thành trong ứng xử bằng lối suy nghĩ tôn trọng một sự khác biệt.

Rất nhiều ví dụ trong cuộc sống: một người tù mãn hạn, một người mẹ đơn thân, một người đến từ vùng quê nghèo khó... đều thử thách lối tiếp xúc mỗi ngày để xem sự trưởng thành về văn hóa của chúng ta có lớn lên cùng năm tháng. 

>>Vợ chồng Obama từng bị kỳ thị vì màu da

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vượt qua sự kỳ thị có khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO