Văn hóa doanh nhân: Trông người lại nghĩ đến ta

PHAN HÒA BÌNH| 23/04/2016 01:41

Cuộc triển lãm hàng xuất nhập khẩu quốc tế mới đây diễn ra với quy mô lớn, có hàng chục doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài tham dự.

Văn hóa doanh nhân: Trông người lại nghĩ đến ta

Cuộc triển lãm hàng xuất nhập khẩu quốc tế mới đây diễn ra với quy mô lớn, có hàng chục doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài tham dự. 

Đọc E-paper

Nhằm đảm bảo chất lượng, Ban tổ chức (BTC) phải tìm kiếm các DN sản xuất các loại hàng đúng theo yêu cầu để mời tham dự triển lãm. Suốt quá trình chuẩn bị, thật băn khoăn trước nhiều chuyện thuộc về "văn hóa doanh nhân" vì còn rất nhiều vấp váp, bất cập.

Tại khu vực dành cho các đơn vị nước ngoài, chúng tôi nhìn thấy các DN từ xa xôi đến với chỉ một hoặc hai người, và họ đều tuân thủ các yêu cầu của BTC về trưng bày hàng hóa. Nhìn những vị chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc hoặc giám đốc tiếp thị đến từ những tập đoàn sản xuất lớn kiên nhẫn sắp xếp các mặt hàng của đơn vị mình do không có các tình nguyện viên giúp việc như dự định ban đầu của BTC, thấy họ thật đáng ngưỡng mộ.

Những doanh nhân thành đạt đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia, Singapore với những cử chỉ rất giản dị, khiêm tốn trong giao tiếp, có người phải làm tới khuya, bỏ cả bữa ăn tối.

Và khi xem một bản tham luận của một vị doanh nhân mới biết trong năm vừa qua, tập đoàn của ông có kim ngạch xuất khẩu đến 9 tỷ đô la, thế nhưng từ dáng vẻ lịch lãm của ông vẫn toát lên sự thân thiện và khiêm tốn.

Một đơn vị từ nước Úc đến vào giờ chót xin đăng ký tham dự triển lãm khiến BTC bối rối trong việc chuẩn bị mặt bằng, lập tức đại diện các đơn vị nước ngoài đồng ý thu hẹp mặt bằng của đơn vị họ và trợ giúp người đại diện DN Úc các thiết bị để trưng bày sản phẩm. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, không gây bất cứ sự xáo trộn nào.

Trong khi đó, khu vực dành cho hàng nội địa trưng bày có đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Hầu hết các đơn vị đều cãi cọ, phàn nàn vì không được sắp xếp ở vị trí mặt tiền, và họ bỏ mặc hàng hóa như muốn "ăn vạ” BTC. Các thiết bị trưng bày BTC cung cấp cho các gian hàng với số lượng như nhau, nhưng chỉ cần vắng mặt một lúc là bị đơn vị bên cạnh chiếm mất.

Đặc biệt, một đơn vị lớn tiếng yêu cầu BTC phải giúp họ trưng bày hàng hóa với lý do DN họ chỉ toàn lãnh đạo đến dự triển lãm, không có nhân viên để làm việc này. Chưa hết, những người này còn phàn nàn, chê bai BTC đã không thu xếp nơi ở sang trọng cho họ. Nếp nghĩ "ăn trên ngồi trốc" ấy được thể hiện công khai, khệnh khạng ở những người từng trải thương trường, khiến những người trẻ tuổi nhìn vào cảm thấy khó chịu, không tránh khỏi ác cảm với các bậc cha chú.

Những người mang tư tưởng "chiếu trên" đi khắp nơi trong nước như thế đã tạo ra không ít khó khăn cho những người phải làm việc với họ. Trong khi đó, điều quan trọng là phải giao lưu, giới thiệu, tìm kiếm đối tác thật hiệu quả lại không được chú trọng, chưa kể còn yếu kém về ngoại ngữ.

Những người này không biết rằng tất cả khách mời đến từ nước ngoài đều sẵn sàng tự bỏ tiền túi để thuê chỗ ở như ý họ muốn chứ không trông chờ vào khả năng của BTC.

Một doanh nhân đến từ Thái Lan sau khi biết thông tin đoàn của bà sẽ phải thay đổi hai khách sạn trong 5 ngày đã viết thư cho BTC động viên: "Chúng tôi biết với quy mô một sự kiện như thế này, các bạn gặp rất nhiều khó khăn, và chúng tôi sẵn lòng chia sẻ những khó khăn đó, sẽ di chuyển chỗ ở như các bạn yêu cầu". Đó là bức thư của một người đã thanh toán tiền khách sạn chứ không ở miễn phí, nhưng họ vẫn có cái nhìn thông cảm, hiểu biết như vậy.

"Văn hóa doanh nhân" là để thể hiện mọi nơi, mọi lúc chứ không phải chỉ dành cho những lúc tiệc tùng hay những buổi gặp gỡ cao cấp!

>Người trẻ và những chấn thương tâm lý hiện đại

>Hội An: Gìn giữ di sản bằng trí tuệ

>Những việc nhỏ có thể thay đổi thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa doanh nhân: Trông người lại nghĩ đến ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO