Văn hóa của người đàn bà gánh cá

KHẢI LY| 24/06/2012 06:37

Chị là một triệu phú chân đất, bắt đầu thành đạt với những nhà máy chế biến cá ở ven biển miền Trung, đi lên từ gánh cá bán rong bờ biển mỗi sáng. Đó là người phụ nữ không nhan sắc. Trên dòng lý lịch trích ngang, văn hóa của chị dừng lại ở con số 4 nhỏ nhoi, phận nghèo ít học!

Văn hóa của người đàn bà gánh cá

Chị là một triệu phú chân đất, bắt đầu thành đạt với những nhà máy chế biến cá ở ven biển miền Trung, đi lên từ gánh cá bán rong bờ biển mỗi sáng. Đó là người phụ nữ không nhan sắc. Trên dòng lý lịch trích ngang, văn hóa của chị dừng lại ở con số 4 nhỏ nhoi, phận nghèo ít học!

Đọc E-paper

Thỉnh thoảng, khi những chiều Đông muộn được thong thả, chị hay bảo lái xe dừng lại một lúc trên đường về nhà. Đoạn ấy có gì đẹp? Người lái xe đã quen với tính của sếp, không thắc mắc gì nữa, anh ta chẳng buồn liếc nhìn xung quanh vì quá quen thuộc với cảnh buồn tẻ, hoang lạnh của một cánh đồng lúc Đông tàn.

Ai chẳng nhớ trong bản nhạc nổi tiếng Ru ta ngậm ngùi của Trịnh Công Sơn có những câu buồn như không còn gì buồn hơn: “Đời sao im vắng/ Như đồng lúa gặt xong/ Như rừng núi bỏ hoang...”. Ấy là người tài xế nghĩ thế. Còn chị thì cứ mê mẩn tựa người vào thành xe, rồi thả cái nhìn ra phía cánh đồng hun hút trống không, chỉ còn những tảng đất đã cày lật lên chờ vụ mùa mới.

Mùi đồng lúc ấy nồng nồng đất lẫn bùn. Sau này chị bảo, mỗi lúc dừng chân như thế thấy thoải mái hơn đi spa, bao nhiêu mệt nhọc một ngày tan biến trong cái hơi lạnh và cái trống trải đẹp kỳ lạ của nơi đồng không ấy!

Rồi khi có dịp thực hiện ước mơ, chị đã lôi về cái nhà hàng rộng lớn của mình nguyên một vạt ruộng, cho nằm bên thềm của những ngôi nhà rường nhiều trăm tuổi, bốn mùa nhân viên thả sức gieo mạ, gặt lúa cho khách Tây xem. Từng bậc đá dẫn vào nhà rường phải là bậc cửa mòn nhẵn chân người xưa được sưu tầm đưa về, chứ không phải thứ hàng đặt thợ làm mới.

Và dòng sông, ôi thôi là kỳ công, ngày nào cũng có người chèo con đò nhỏ đi vớt từng cọng rác lỡ trôi ngang cửa. Đơn sơ thế, nhưng nhà hàng ấy nổi tiếng ở Hội An và là đối tác đón khách của tất cả các công ty lữ hành uy tín nhất châu Âu!

Chị là một triệu phú chân đất, bắt đầu thành đạt với những nhà máy chế biến cá ở ven biển miền Trung, đi lên từ gánh cá bán rong bờ biển mỗi sáng. Đó là người phụ nữ không nhan sắc. Trên dòng lý lịch trích ngang, văn hóa của chị dừng lại ở con số 4 nhỏ nhoi, phận nghèo ít học!

Nhưng trường đời mênh mông và chị vẫn tiếp tục học được những điều gì đó từ khi gánh cá bán dạo cho người tập thể dục buổi sáng trên biển đến khi đã thành công với đối tác là những doanh nhân khắp châu Á!

Khi biết chị có thể ngắm một cánh đồng trống không chưa cấy mạ mà vẫn tìm được vẻ đẹp trong đó, tôi nghĩ tâm hồn chị đã chín muồi những trải nghiệm cuộc sống, và đó là nền tảng văn hóa chị đối nhân xử thế khi giao dịch làm ăn khắp Âu - Á.

Tôi từng có cảm giác rất lạ khi gặp một nữ doanh nhân đi xem chèo. Người phụ nữ xuất thân từ miền Tây, cái nôi của vọng cổ, định tìm gì trong món chèo Bắc? Chị giải thích, chơi với nhiều bạn bè người Bắc, thấy họ thích chèo, chị cũng không ngại đi thử vài lần để hiểu về một thứ xa lạ.

Chị nói rằng, nếu vọng cổ như đã ngấm trong dòng sữa mẹ bú lúc trẻ thơ, thì chắc chắn chèo cũng có giá trị thân thuộc tương đương với người Bắc. Nhưng chị có thể xem và thích thú từng mảng miếng chèo cổ là thói quen mang tính nền tảng, là biết chấp nhận những khác biệt đã định hình trong quá trình hoàn thiện mình trên thương trường.

Chị luôn nhìn nhận những khác biệt trong đời sống với thiện chí và không áp đặt, chị đã rèn được bản thân để rồi định vị trong mắt giới doanh nhân thành phố như một phụ nữ không chỉ xinh đẹp, mà còn có kiến thức văn hóa rộng và lịch thiệp, dễ mến. Có thể chính điều này giúp chị có uy tín trong các hoạt động chung của doanh nhân thành phố?

Những doanh nhân xuất hiện trong cuộc sống, đến với xã hội có thể bằng lối chơi những dàn siêu xe đắt giá và độc đáo, những bộ sưu tập kỳ lạ có một không hai. Những doanh nhân khác có thói quen tìm kiếm bạn bè trong giới nghệ sĩ, cùng nhau ăn một bữa tối, lắng nghe tiếng saxophone mạnh mẽ của bạn bè.

Những người khác tạo đẳng cấp bằng văn hóa của chính doanh nghiệp mình, bản thân mình. Mỗi người có một xuất phát điểm và khả năng tự trau dồi khác nhau.

Trở lại với nữ triệu phú xuất thân gánh cá trên biển, chị vẫn sống khá giản dị, giữ cho mình những người bạn cũ cho dù cuộc sống kinh doanh đang thay đổi mỗi ngày ở Hội An.

Và khi để ý, tôi nhận thấy, những công trình khách sạn, nhà hàng chị xây dựng ở ngoại ô phố cổ cũng như phong cách kinh doanh tuy đáp ứng chuẩn chuyên nghiệp quốc tế, nhưng hòa hợp nhuần nhuyễn với thiên nhiên, kiến trúc và lối kinh doanh cổ truyền của người Hội An xưa.

Phong cách ấy đang được chính những CEO tu nghiệp và làm việc lâu năm ở nước ngoài áp dụng cho các khách sạn 4-5 sao ở vùng du lịch nổi tiếng này. Thì ra, từ những xuất phát điểm rất khác nhau, nhưng người có văn hóa thật sự vẫn có thể tìm đến một điểm chung của thành công là vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa của người đàn bà gánh cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO