Trao cơ hội cho người trẻ

ĐỖ KHẢI LY| 02/04/2016 06:47

Người trẻ dễ dàng thay đổi để vươn tới cái mới.

Trao cơ hội cho người trẻ

Tôi vừa làm việc với một nhà thiết kế thời trang người Tây Ban Nha, đưa ông tham quan từng khu nhà sản xuất, giới thiệu quy trình kỹ thuật, ghé đến các phòng thiết kế và showroom trưng bày sản phẩm. Ông vô cùng thích thú, ấn tượng với mô hình làng nghề sống động.

Đọc E-paper

Thưởng thức tách cà phê nóng bên hồ sen, ông hỏi tôi: Tại sao chuẩn bị những đêm thời trang quốc tế, chúng tôi lại quyết định lựa chọn những nhà thiết kế Việt Nam còn rất trẻ, tuổi đời đều chưa đến 30 để trình diễn các bộ sưu tập của họ sáng tạo ra? Tại sao không tự thử sức mình tìm kiếm những tên tuổi có tiếng trong nước?

Tôi chia sẻ với ông câu chuyện khi tôi được cử đi tham dự một hội thảo quốc tế tại Thái Lan hay Trung Quốc, giữa hàng trăm khách mời đại diện cho các thương hiệu lớn trên thế giới, những nghệ nhân, doanh nhân đi lên bằng năm tháng, tôi cũng từng là đại biểu trẻ tuổi nhất.

Ngày đầu tôi đến, toàn bộ khách mời hầu như không mấy quan tâm đến Việt Nam. Tôi chào hỏi, ngỏ ý muốn học tập và được chia sẻ kinh nghiệm từ họ, giới thiệu sản phẩm với họ, và điều tôi nhận lại là sự lịch sự nhưng thờ ơ được biểu lộ rất rõ ràng. May mắn, tại các hội thảo, Ban tổ chức đã chọn bài tham luận của tôi, và 2 lần tôi có cơ hội trình bày những vấn đề của ngành mình, của đất nước mình, tôi giới thiệu thành phố di sản văn hóa Hội An, giới thiệu một bảo tàng nghề tơ lụa đặc biệt nằm trong lòng một di sản văn hóa thế giới, và nhấn mạnh cách chúng tôi ứng dụng lụa tơ tằm thiên nhiên vào đời sống và thời trang hiện đại. Những người lãnh đạo đã trao cơ hội, bạn bè thế giới đã trao cơ hội, và tôi tận dụng để thực hiện trách nhiệm của mình.

Từ hai bài tham luận, đại biểu Việt Nam bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Rất nhiều quan chức, chủ nhân của những thương hiệu tơ lụa lớn nổi tiếng thế giới tìm đến đoàn chúng tôi trò chuyện, ngỏ ý muốn đến thăm chúng tôi để được tận mắt ngắm nhìn ngôi làng xinh đẹp với những câu chuyện thi vị trong lịch sử và chiêm ngưỡng cách chúng tôi làm “sống lại” văn hóa truyền thống trong thời trang.

Tôi được ngồi ngang hàng với tất cả đại biểu danh dự của phiên họp Hiệp hội Tơ lụa Thế giới, và ký vào các hiệp ước hoạt động của Hiệp hội, đưa Làng lụa và Việt Nam trở thành một thành viên sáng lập của Hiệp hội.

Từ những trải nghiệm quý giá đó, khi trở về, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về người trẻ và những cơ hội nếu có sẽ đem lại hiệu ứng tích cực nào. Và tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm những con đường tích cực để những người hai mươi tuổi có cơ hội thể hiện khả năng tiềm tàng của họ, những điều mà chỉ cần có được môi trường tốt và điều kiện thuận lợi thì biết đâu sẽ tạo ra kỳ tích mà thời gian hay kinh nghiệm cũng không đong đếm được.

Tôi tự tìm kiếm các gương mặt mới trong làng thiết kế, là chủ sở hữu của những bộ sưu tập trên chất liệu truyền thống nhưng vẫn thổi vào đó nét hiện đại, tươi vui của tuổi trẻ.

Và với một sân chơi mang tầm quốc tế, chúng tôi đã quyết tâm mở đường cho người trẻ tiến lên. Không có những tên tuổi gạo cội lẫy lừng, mà là sự sáng tạo, trẻ trung, hấp dẫn của tuổi đôi mươi, đưa thời trang Việt Nam đến với bạn bè quốc tế qua những bộ sưu tập có tính sáng tạo cao.

Và có một nhà thiết kế nói với tôi rằng, anh cảm thấy chúng tôi như là tri âm. Tôi hiểu, người hai mươi tuổi dễ dàng thay đổi để vươn tới cái mới, từ “tri âm” mang âm hưởng rất mạnh mẽ và tha thiết!

>Có một Đông Nam Á không chờ các lão làng

>Hội An: Gìn giữ di sản bằng trí tuệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trao cơ hội cho người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO