Tranh luận có vô bổ?

HỒNG BÍCH| 31/10/2013 09:30

Phê bình và tự phê bình", chẳng ai lạ và cũng chẳng mấy người tin tưởng vào cụm từ này, bởi lẽ, thực trạng "nói thẳng nói thật chỉ thêm thiệt" đã trở thành một phản xạ tự bảo vệ trước những mối quan hệ chi phối.

Tranh luận có vô bổ?

"Phê bình và tự phê bình", chẳng ai lạ và cũng chẳng mấy người tin tưởng vào cụm từ này, bởi lẽ, thực trạng "nói thẳng nói thật chỉ thêm thiệt" đã trở thành một phản xạ tự bảo vệ trước những mối quan hệ chi phối.

Đọc E-paper

Bây giờ tinh thần phê bình và tự phê bình "chính thống" chẳng khá lên, nhưng tinh thần ấy có đất sống, nở rộ kể từ khi các diễn đàn mạng xã hội ra đời.

Nếu ngoài đời, việc thành lập một hội nhóm, một câu lạc bộ, một tổ chức nghề qua nhiều cửa xét duyệt, thì trên mạng internet, việc lập một diễn đàn tập hợp nhóm người cùng nghề nghiệp, cùng quan điểm, sở thích lại vô cùng dễ dàng.

Và với một người trẻ, muốn tìm diễn đàn về vấn đề mình quan tâm, thì việc đầu tiên người ấy làm là "gõ Google", chứ không phải dắt xe ra khỏi nhà.

Cùng với sự xuất hiện mạng xã hội và các diễn đàn nở rộ với hàng ngàn thành viên, tinh thần "nói thẳng, nói thật, nói đến tận cùng bản chất sự việc và con người" được phát huy tối đa, một tinh thần chưa bao giờ có nếu người ta phải đối mặt trực tiếp với nhau ngoài đời.

Dư luận xã hội được tranh luận, trao đổi trực tiếp trên báo chí, một phần đi vào mạng xã hội. Những cuộc tranh luận lợi hại chỗ nào là câu hỏi bao người băn khoăn.

Mới đây, trên diễn đàn "Người làm báo trẻ”, một nhiếp ảnh gia tên N.S đã giới thiệu hình ảnh anh cộng tác với Hãng tin A.P chụp người đàn ông quỳ gối và úp mặt xuống đường khóc trong đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nếu như trước đây chúng ta chỉ bàn đến thông tin theo lối một chiều, chắc chắn chỉ nghe những lời khen bức ảnh thật sự có giá trị về tình cảm của người dân. Nhưng ý kiến tranh luận đã đặt ra vấn đề khác.

Một số người xem cho rằng bức ảnh không có gì đẹp về bố cục, nhưng có giá trị về một khoảnh khắc người dân tưởng nhớ vị tướng tài của dân tộc Việt.

Nhưng một loạt ảnh được công bố sau đó của một thành viên khác ghi nhận thực tế: tác giả N.S đã có thái độ "thét lác", xô đẩy người dân đứng chụp ảnh, và đặc biệt là chụp lộ liễu nhân vật chính đang lạy và khóc.

Dư luận tranh luận rất sôi nổi về việc khoảnh khắc ấy có còn giá trị của "sự thật" hay không khi tác giả đã có hành vi "dọn dẹp hiện trường", chưa kể tới đạo đức phóng viên khi cạnh tranh với những người chụp ảnh khác.

Cuộc tranh luận thu hút rất nhiều đạo diễn, nhà văn và nhiếp ảnh gia; không bao giờ có "lãnh đạo" kết luận như các hội nghị, nó dừng lại lửng lơ và để lại cho những người tham gia diễn đàn những kiến thức mới về giá trị của một phóng sự ảnh báo chí, về nhận thức của người phóng viên thời sự phải trang bị tầm văn hóa và chính trị để thông điệp mình chuyển tải ra thế giới phải đúng như mình mong muốn, không để thế giới có cái nhìn lệch lạc về sự kiện vì tài năng phóng viên có hạn.

Một cuộc tranh luận khác nổ ra rất bất ngờ ở một đề tài tưởng như chẳng còn gì để bàn. Một nhóm họa sĩ và phụ huynh tổ chức cuộc đấu giá tranh của các cháu thiếu nhi với tên gọi "Cơm có thịt", "Bạn nhỏ giúp bạn nhỏ”, kêu gọi cộng đồng mua tranh để lấy tiền giúp các em nhỏ miền núi có bữa cơm dinh dưỡng.

Hội chợ bán tranh thiếu nhi để làm từ thiện đã tổ chức đến lần thứ 8 trong vòng 2 năm qua. Cứ tưởng việc làm tốt đẹp thế thì còn gì để bàn và cãi nữa, nhưng cuộc tranh luận nổ ra khi một kiến trúc sư nổi tiếng kêu gọi nên dừng cách làm này lại, làm đến lần thứ 8 là đủ rồi!

Theo phân tích của anh, việc các cháu hào hứng vẽ tranh, rồi bố mẹ đem kêu gọi người mua tranh làm từ thiện thì mục đích tốt đẹp nhất là thêm những bữa cơm có thịt cho trẻ em miền núi đã đạt được rồi.

Còn chính các em bé vẽ tranh kia, với nhận thức non nớt, các em sẽ sống trong ảo tưởng mình vẽ tranh đẹp, mình có tài, có khả năng vẽ tranh ra tiền giúp người khác. Chưa kể những em gửi tranh đến nhưng không bán được sẽ không tránh khỏi so đo, tỵ nạnh với bạn có tranh bán được, rồi buồn khổ, mặc cảm.

Việc làm từ thiện là của người lớn, còn các em chỉ nên dừng lại ở việc góp sức cho phong trào kế hoạch nhỏ ở trường. Đã giáo dục trẻ em thì phải nhìn toàn diện các vấn đề có khả năng xảy ra trong cuộc. Ý kiến này có đáng suy nghĩ không? Câu trả lời là có vì đã nhận được hàng trăm câu trả lời về tình huống phát sinh.

Ý kiến này đã bị các phụ huynh (có con tham gia vẽ tranh, bán tranh) phản đối dữ dội vì họ đang sống với niềm vui con mình có tài và có tâm, biết làm việc thiện từ nhỏ. Cuộc tranh luận thể hiện sự cọ xát của những người có xuất phát điểm khác nhau về văn hóa, không có điểm dừng.

Nhưng tranh luận thế liệu có vô bổ không? Sự cực đoan có cần thiết không? Rất nhiều người đọc kỹ các ý kiến trái chiều và nhận định rằng, dù một cá nhân lẻ loi đi ngược lại đám đông vẫn cho ta hiểu thêm một điều gì đó mới mẻ chưa từng xảy ra trong "đáy giếng" này. Mạng internet đang cho phép con người cập nhật kiến thức toàn cầu, hội nhập văn hóa không giới hạn.

Văn hóa tranh luận đang dần hình thành ở nhiều diễn đàn có uy tín, nơi đa số cho rằng có thể thoải mái nêu các vấn đề mình suy nghĩ, chỉ cần tôn trọng chính bản thân và người cùng tranh luận. Đó là cái cần trang bị để dấn thân học hỏi điều mới mẻ qua những cuộc tranh luận!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh luận có vô bổ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO