Trăn trở mùa phóng sinh

HỒNG BÍCH| 09/03/2018 03:14

Có ai nghĩ rằng chẳng có con chim, con cá nào bỗng dưng bị bắt nhốt, mà chỉ do con người muốn thể hiện lòng từ bi?

Trăn trở mùa phóng sinh

Tháng giêng cũng mới qua rằm, những ngày đẹp nhất của mùa xuân còn đó. Nhiều người vẫn giữ thói quen đi chùa, cúng đồ chay, làm việc thiện. Có lẽ việc đến cửa chùa đầu năm làm người ta cảm thấy tâm can thoải mái, dễ dàng tiếp nhận những tính thiện, chứ không phải đến chùa để làm những việc kiểu như "buôn thần bán thánh".

Sáng rằm tháng giêng, đi ngang qua ngôi chùa mấy năm gần đây bỗng thu hút Phật tử rất đông. Kèm theo dòng người viếng chùa là đội quân bán hương, hoa, chim, cá để phóng sinh vào ngày rằm quan trọng nhất của năm. Khi con người làm việc thiện, sự thiện lương sẽ lan tỏa hàng trăm lần.

Ngược lại, cái ác diễn ra vào thời điểm này cũng sẽ tạo nghiệp với mức độ gia tăng tương tự. Vì thế, đoàn người vào cúng dường, thắp hương lạy Phật xong ra mua năm, mười con chim sẻ trong lồng, vái lạy tứ phương rồi mở cửa lồng trả chim về với thiên nhiên. Những con chim sẻ loạng choạng bay ra khỏi lồng, vụt lên mái nhà, ngọn cây, để lại tiếng kêu thảng thốt, không biết mừng vui vì được tự do hay lo sợ chẳng bao lâu sẽ bị bắt lại.

Tìm hiểu gốc gác của tục phóng sinh ngày rằm, thấy trong vô số pháp môn Đức Phật chỉ dạy, chỉ có phương pháp phóng sinh là dễ thực hành nhất để nuôi dưỡng lòng từ bi của con người.

Trong Luận Đại Trí độ dạy rằng: "Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại chúng sinh là công đức lớn nhất". Thế nào gọi là phóng sinh? Phóng sinh là khi nhìn thấy các loại chúng sinh bị giam cầm, mạng sống đang bị đe dọa, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Đó là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống của chúng sinh.

Thì ra là vậy. Tôi lặng lẽ quan sát cảnh mua bán chim, cá để phóng sinh. Những người bán chim, cá chẳng nghĩ đến công đức gì ở đây, mà chỉ đơn giản là họ đang kiếm sống nhờ vào việc có những người muốn làm việc thiện một cách dễ dàng, thoải mái, không mệt nhọc, không tốn nhiều công sức. Chỉ bỏ ra ít tiền mà yên tâm, thơ thới vì đã tích phước.

Thế nhưng có ai nghĩ rằng chẳng có con chim, con cá nào bỗng dưng bị bắt nhốt, mà chỉ do con người muốn thể hiện lòng từ bi, muốn Phật chứng thực mình có làm việc thiện nên đã mua chim, cá phóng sinh. Có cầu ắt có cung, thế nên mới có một số người ra sức làm việc ác, đi bẫy chim, vớt cá, đưa chúng vào cảnh sống khốn khổ, tù đày trong những chiếc lồng nhỏ, xô, chậu không thức ăn để chờ được giải thoát.

Hóa ra người này bỏ tiền ra tích đức lại đẩy người khác phạm tội ác, Phật không thể chứng lòng thành dễ dãi và vô trách nhiệm như vậy. Biết đâu vừa phóng sinh nơi cửa thiền, ra đường gặp cảnh người bị hiếp đáp, lòng bất bình mà sợ hãi bỏ đi thật nhanh vì sợ gặp rắc rối; thấy tai nạn giao thông, muốn giúp người bị nạn nhưng lại sợ bị vu oan giá họa nên chạy xe qua luôn. Những chuyện như vậy có thể xảy ra với bất cứ ai. Nếu thế thì việc phóng sinh còn ý nghĩa không?

Mong rằng mọi người đừng ủng hộ việc tích đức bằng cách phóng sinh chim, cá trước cửa chùa. Ai cũng biết cá thả vô tội vạ xuống ao hồ nước bị ô nhiễm, chúng đâu sống nổi. Chim chóc sinh ra có tổ, có vườn quen thuộc, không dễ dàng kiếm ăn trên một nóc nhà xa lạ ở phố thị. Được thả ra chẳng mấy chốc cũng rơi vào miệng mèo hoặc bị bắt lại.

Như vậy hóa ra việc phóng sinh trở nên vô ích? Chúng ta vẫn nghe nói phải "tu tập", tức luyện tập chuyện tu hành. Làm việc thiện nếu không xuất phát từ tâm thì chỉ khiến con người mất công sức, không làm cho tinh thần mạnh mẽ hay thanh thản như mong muốn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trăn trở mùa phóng sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO