Tiêu chí hạnh phúc của người Việt

HỒNG BÍCH| 14/08/2016 06:31

Những tiêu chí hạnh phúc của một quốc gia không thể vượt thoát khỏi những tiêu chí chung của nhân loại, nhưng chúng cũng phải bám sát nền tảng xã hội, nhu cầu xã hội của từng quốc gia, từng tỉnh, thành...

Tiêu chí hạnh phúc của người Việt

Mấy tuần gần đây, người ta bàn luận xôn xao về một doanh nhân từng có mộng ước lớn về tạo dựng sự nghiệp cá nhân, xây dựng đất nước. Họ quan tâm vì doanh nhân đó đã đi định cư ở miền đất mới. Trong thâm tâm nhiều người, cuộc ra đi đó đã để lại trong lòng họ những câu hỏi tại sao... 

Đọc E-paper

Một cá nhân không thể đại diện cho một xã hội, dù cá nhân đó từng được xã hội kỳ vọng, một doanh nghiệp kỳ vọng. Dù rằng có người hay nhìn vào một cá nhân thành đạt và cho rằng đó là hình ảnh đại diện cho một thế hệ. Sự ra đi của một người từng rất thành đạt vẫn chỉ là vấn đề cá nhân, nó không thể ảnh hưởng đến một thành phố, một đất nước. Nó cũng sẽ không phải là câu trả lời cho tiêu chí hạnh phúc của người Việt.

Chúng ta đã chứng kiến việc ra đi tìm miền đất mới để sống và phát triển của cư dân Việt từ hàng trăm năm qua, những cuộc ra đi thường từ miền Bắc xuôi về miền Nam trong tiến trình mở cõi, kháng chiến, thống nhất đất nước. Và sau này đơn giản là đi tìm những nơi có việc làm, có thu nhập, có một ngôi nhà hạnh phúc.

Tiêu chí hạnh phúc của một doanh nhân thành đạt ắt phải khác với mong mỏi hạnh phúc của một người nhập cư lần đầu ngồi xe đò từ tỉnh ra thành phố. Nhưng phải có một tiêu chí gì đó khi người ta thường viết ở đầu một văn bản dòng chữ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".

Và tôi vẫn nhớ cái buổi sáng Chủ nhật cuối năm 2002, ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói với 1.000 tổ trưởng tổ dân phố ở Đà Nẵng về hành trình đi tìm hạnh phúc của ông gói gọn trong một câu: "Xây dựng thành phố năm không". Nó rõ ràng như thế, nó hỗ trợ nền tảng cho công cuộc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng đô thị.

Một thành phố có nhiều phần an toàn, an toàn giữa cộng đồng, an toàn trong bầu không khí cư dân đang thở, an toàn về đạo đức khi được bao bọc bởi sự tử tế xung quanh, nó đã được gọi bằng cái tên "Thành phố đáng sống", không bị nghi ngờ, không làm ai cười mỉa mai như những tổ chức quốc tế đã không thuyết phục được người Việt khi đưa ra một số tiêu chí rồi công bố Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc tốp đầu về chỉ số hạnh phúc.

Hạnh phúc có nhiều tiêu chí khác nhau, xuất phát từ văn hóa, đạo đức, tôn giáo và kinh tế. Tiêu chí "xây dựng thành phố năm không" của ông cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng xuất phát từ người có mức sống thấp nhất trong xã hội, bởi thời điểm đó nhiều nơi trong cả nước còn phải đối diện với đói ăn, thiếu chữ.

Ba năm sau, lãnh đạo thành phố thay đổi mục tiêu, hướng về người có thu nhập trung bình phải có cuộc sống ổn định bao gồm môi trường văn hóa, việc làm và nhà ở. Sự thành công của hai chương trình "Năm không" và "Ba có" ở thành phố Đà Nẵng đã tạo ra nền tảng "thành phố đáng sống" hiện nay, bởi nó chi phối hầu hết cuộc sống tinh thần, văn hóa của người dân.

Những tiêu chí hạnh phúc của một quốc gia không thể vượt thoát khỏi những tiêu chí chung của nhân loại, nhưng chúng cũng phải bám sát nền tảng xã hội, nhu cầu xã hội của từng quốc gia, từng tỉnh, thành và phải mang gương mặt "nụ cười Việt".

Chúng ta không cần quá cao siêu, quá lý tưởng, bởi hiện nay cả nước đang đối mặt với cuộc sống thiếu an toàn trên đường phố, trên bàn ăn, bầu không khí đang thở, môi trường cạnh tranh dành cho người trẻ, mức lương thấp so với các nước Đông Nam Á. Và hãy chấp nhận một đám đông dư luận đang giận dữ khi một tổ chức quốc tế nào đó cứ khẳng định người Việt đang nằm trong top hạnh phúc nhất thế giới.

>Để trở thành thành phố đáng sống

>Những nơi đáng sống nhất thế giới

>Gần 1 triệu người Việt Nam thất nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiêu chí hạnh phúc của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO