Tiễn Đoan Ngọ, đón Hạ về

BÍCH HỒNG| 28/06/2012 05:03

Đã nhiều năm bị công việc lôi cuốn, bị thời tiết khó chịu của lúc giao thời Xuân tàn, sang Hạ, phố xá hình như không còn quá mặn mà với tiết Đoan Ngọ

Tiễn Đoan Ngọ, đón Hạ về

Đã nhiều năm bị công việc lôi cuốn, bị thời tiết khó chịu của lúc giao thời Xuân tàn, sang Hạ, phố xá hình như không còn quá mặn mà với tiết Đoan Ngọ. Những chiếc xe đạp chở đầy bánh ú tro thưa vắng dần.

Bánh ú tro không còn là món ăn chính của lễ cúng giữa Ngọ. Cũng vắng theo là mùi thơm của mít, thứ trái cây vương cái mùi chín nục trong những gian nhà trống trải trung du. Thi thoảng giữa các cao ốc phố thị chạm mặt Đoan Ngọ ở chút trái cây đồng nghiệp mang vào từ những thuyền bè thúng mủng trên chợ.

Bỗng nhiên cái tiết trời đỏng đảnh Đoan Ngọ làm cho một trận cảm nhẹ. Nó đủ để rời khỏi cái ghế văn phòng quen, để thả bộ thong dong chợ phiên nhỏ đầu phố. Có phải năm nay chợ Đoan Ngọ bỗng đông đúc. Bánh ú tro bán nhiều hơn. Những trái cây thơm nức bồng bềnh những mảng sắc màu trên chiếc xe đẩy.

Lướt qua trên phố những quán nếp cẩm tím Hà Nội lưu lạc vào miền Nam làm cho những người Bắc cứ nhớ thương không dứt cái tuổi thơ ngồi ăn nếp cẩm nổi tiếng bán rong trên con phố đầy tiếng ve sầu Lý Thường Kiệt. Sài Gòn bây giờ nhiều quán nếp cẩm bán quanh năm, được hòa thêm vị của sữa chua.

Người Sài Gòn nếm thử món này nơi góc Nguyễn Tri Phương - Bà Hạt thì thấy lạ. Những người có gốc Bắc thích quán này vì có thể yêu cầu một chén nếp cẩm lên men chính hiệu tím ngăn ngắt, men nồng đậm, đủ làm cho hai má đỏ hồng nóng phừng giữa Ngọ. Rồi nếp cẩm lan ra Đà Nẵng, thêm vào cái vị chua nồng một chút thơm chín và hột trân châu nữa, thành món cocktail mới mẻ.

Ngang qua mấy chợ tạm, thứ chợ của người nghèo họp mặt đông đúc theo tiếng còi tan tầm của khu công nghiệp bỗng thấy sầm uất hơn hẳn ngày thường.

Đứng lại ngó nghiêng, bán mua, bỗng chợt hiểu ra, thời kinh tế khó khăn, những người sống gần khu này đã phải bóp mồm bóp miệng như thời thập niên tám mươi, chín mươi, nhưng đến gần Tết Đoan Ngọ thì không cầm lòng được, bà nội trợ bỗng muốn sắp cái mâm cúng cho đầy, lấy cớ làm lễ đón ngày cực dương, trừ tà khí, đón lấy một vận may mơ hồ để tụ tập ăn uống chút đỉnh cho gia đình vui vẻ.

Bỗng thấy thương những cái tết Việt vô cùng, nó đã là những dịp an ủi những con người giản dị chỉ mong một cuộc sống yên ổn.

Suốt từ Tết Nguyên Đán, con người lao đao vì đồng bạc lương ngày càng mỏng vì lạm phát, bà chủ quán lịch sự rót thêm trà đá cho bữa sáng bánh mì ốp –la vỏn vẹn mười lăm nghìn đồng để khách khỏi trống trải vì bữa sáng hôm nay đã thiếu mất ly trà Lipton quen thuộc. Chủ còn hẹn khách sáng mùng Năm Đoan Ngọ nhớ ghé quán bà đãi bánh ú tro Hội An nổi tiếng.

Bỗng nhớ Khuất Nguyên. Chiếc bánh ú tro ba góc tồn tại đến ngày hôm nay chính là món bánh ngày xưa người làng cúng Khuất Nguyên khi ông nhảy xuống sông Tương.

Những nỗi buồn của người trung chính bị vua ghét bỏ nó như một nỗi buồn thiên thu, ám ảnh, mà lúc nào cũng mới rợi, tươi nguyên. Nhưng thực lòng bây giờ không dám giở lại tập thơ Ly tao của ông xem nữa. Cuộc sống của ông mấy nghìn năm trước nó đã buồn, sao bây giờ mọi chuyện đời dường như không thay đổi bao nhiêu.

Ông bà đã cho một tập tục đẹp, ta đón một ngày dương thịnh tiện cho việc nhóm họp gia đình, bắt chước tổ tiên Bách Việt ra vườn tìm một nắm lá ngải cứu, lại kêu bên hàng xóm chia bớt cho một nửa, dạy cô dâu mới của nhà ấy biết đốt ngải cứu giữa Ngọ để trừ tà ma, xua đi điều xấu để mà vững lòng bước vào một mùa Hè quá nhiều khó khăn thấp thỏm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiễn Đoan Ngọ, đón Hạ về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO