Tiền chùa và tiền đi vay

HỒNG BÍCH| 26/10/2014 06:38

Cách đây 10 năm, có dịp đọc bản thuyết trình dự án xây công viên nước tại Đà Nẵng, với những con số dự báo sẽ phục vụ mỗi ngày khoảng 8 -10 ngàn khách địa phương và du lịch.

Tiền chùa và tiền đi vay

Cách đây 10 năm, có dịp đọc bản thuyết trình dự án xây công viên nước tại Đà Nẵng, với những con số dự báo sẽ phục vụ mỗi ngày khoảng 8 -10 ngàn khách địa phương và du lịch.

Đọc E-paper

Hội An Silk Village

Trong bối cảnh lúc bấy giờ Đà Nẵng chưa phát triển du lịch, một con số vô lý như vậy vẫn được chấp nhận. Và dự án hoàn thành, chỉ hoạt động vào mùa Hè, mỗi ngày vài trăm lượt khách địa phương ghé chơi. Sống èo uột trong mấy năm với việc làm thêm như cho thuê mặt bằng cắm trại, mở nhà hàng, dự án "trùm mền".

Hàng trăm tỷ đồng không thu hồi được. Lại một dự án mới hình thành, là nhà biểu diễn đa năng thành phố bây giờ. Và kết quả là công trình đầu tư 90 tỷ đồng nhưng do thiết kế yếu kèm mưa tạt gió lùa nên không tổ chức biểu diễn được. Mới đây, UBND Thành phố Đà Nẵng đã phải bán lỗ cho một tập đoàn tư nhân với giá 50 tỷ đồng, cho trả chậm 10 năm không tính lãi suất.

Câu chuyện lãng phí ở Đà Nẵng không cá biệt. Hàng trăm công trình đầu tư bằng tiền ngân sách theo đúng kiểu phong trào ở khắp các địa phương. Tỉnh, thành nào cũng làm dự án, thấy tỉnh khác có là về tỉnh mình cũng phải lập dự án xin đầu tư.

Chỗ vài trăm tỷ, nơi hàng ngàn tỷ đồng, nhưng các ban quản lý dự án chỉ chăm chỉ chuyện triển khai giải ngân xây dựng, còn một ban quản lý điều hành hoạt động văn hóa nghệ thuật hay thể thao đủ năng lực tổ chức hoạt động đón khách thì không ổn.

Thực trạng này đã diễn ra với công trình Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trị giá 3.200 tỷ đồng ở ngoại thành Hà Nội mà nay chỉ là một khu hoang lạnh, nhà cửa xuống cấp, mẫu vật hư hỏng. Nhìn không khí vắng lặng đó với con số kinh phí đã bỏ vào và có nguy cơ mất luôn vì công trình không hoạt động mới thấy xót xa vì cái sự vô tư "xài tiền chùa" của các ngành.

Ở Tây Nguyên có rất nhiều làng văn hóa được xây dựng tiêu tốn vài chục tỷ đồng, dựng lên vài cái nhà sàn, cây cầu treo, rồi đóng cửa để đó vì không có khách đến, nên bà con dân tộc lại về nhà đi làm rẫy.

Ở đây chưa nói đến tình trạng lập dự án làm bừa để tham nhũng, mà chỉ nói đến sự vô trách nhiệm với đồng tiền thuế của doanh nghiệp, của người dân đóng góp cũng đã thấy kinh sợ.

Trong lúc đó chúng tôi nhớ đến cũng mô hình các làng nghề văn hóa du lịch được tư nhân đầu tư, không khỏi tiếc thầm "số tiền trăm tỷ, ngàn tỷ kia giá như là từ nguồn tiền của khối đầu tư tư nhân sẽ có kết quả khác biết bao". Tại Hội An có dự án Hoian Silk Village, một dự án bảo tồn làng nghề tơ tằm Quảng Nam.

Chỉ có sự hỗ trợ của chính quyền cho thuê đất trong 50 năm, còn lại các chủ đầu tư bỏ ra 30 tỷ đồng trên diện tích 2ha để tái tạo một không gian làng nghề mang tính chất bảo tàng sống, mỗi ngày đón từ 300 - 600 khách tham quan.

Ở dự án do tư nhân đầu tư, từng đồng kinh phí được tính toán chi li, từng hạng mục văn hóa được nghiên cứu kỹ lưỡng để thu hút khách tham quan, từng dịch vụ được tổ chức chu đáo để có nguồn thu nhằm thu hồi vốn.

Trong tuần này, một dự án khác ở Quảng Nam, cũng do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, đã làm lễ khai trương Bảo tàng Kiến trúc nhà Việt Nam trong khu du lịch văn hóa. Hàng chục nhà cổ Việt đã được sưu tầm, phục chế và nghiên cứu để có một cái nhìn tổng thể về nhà cổ Việt, tăng thêm sự hấp dẫn với khách du lịch.

Tư nhân "tay ngang" làm chỉn chu, kỹ lưỡng, còn dự án văn hóa du lịch nhà nước có bao nhiêu cơ quan chuyên môn quản lý, có các chuyên gia hàng đầu hỗ trợ, thế nhưng lại thất bại.

Tuy vậy, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa du lịch vô cùng khó nếu chứng kiến doanh nghiệp luôn cần vốn đầu tư, cơ quan chuyên môn gây khó khăn cho các dự án của tư nhân. Không dựa vào nguồn vốn nhà nước, các doanh nghiệp vẫn đầu tư và hoạt động khá tốt với những tụ điểm phát huy bảo tồn văn hóa truyền thống và thu hút khách du lịch quốc tế.

Và thật vô cùng bức xúc khi nghĩ đến thực trạng những dự án "quốc doanh" bị lôi ra ánh sáng đã tiêu tốn từ vài chục tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng mà không đem lại hiệu quả, thậm chí còn bỏ hoang tàn một cách vô trách nhiệm.

Việc Thành phố Đà Nẵng bán nhà biểu diễn đa năng 50 tỷ đồng không chỉ là hình thức "cắt lỗ”, nên ủng hộ việc đưa các dự án văn hóa cho các doanh nghiệp quản lý, nhất là một thương hiệu tốt như Sun Group tiếp tục đầu tư và tái tạo một điểm biểu diễn hiện đại cho thành phố.

Quan điểm đầu tư văn hóa của Nhà nước nên tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh các hoạt động biểu diễn, văn hóa du lịch, giải trí thì tốt hơn là tự làm để tiếp diễn tình trạng ăn chia dự án lâu nay vẫn là thực trạng nhức nhối.

>Những "ông chủ nghèo" của di sản
>Thành phố có đáng sống không?
>
Làm nên một sự khác biệt nhỏ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền chùa và tiền đi vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO