Thư của mẹ...

HỒNG BÍCH| 24/05/2014 03:00

Có lẽ do xem chương trình thời sự trên tivi mỗi tối nên con cũng hiểu phần nào về tình hình trên biển Đông.

Thư của mẹ...

Có lẽ do xem chương trình thời sự trên tivi mỗi tối nên con cũng hiểu phần nào về tình hình trên biển Đông.

Đọc E-paper

"Có lẽ do xem chương trình thời sự trên tivi mỗi tối nên con cũng hiểu phần nào về tình hình trên biển Đông. Hôm qua ngồi trên xe về quê mà con gái hỏi má đủ thứ chuyện liên quan đến biển cả và chiến tranh, má nghe và cảm nhận con gái đã thực sự trưởng thành nhưng mà má lại thấy nhói đau trong lòng!

Con được sinh ra vào thời đại văn minh và tân tiến thì hà cớ gì phải lăn tăn về chiến tranh, chia ly, mất mát, khổ đau... Thế mà mới chỉ mười tuổi thôi con đã phải đối diện với bao lo lắng, thắc mắc về biển đảo bị xâm lấn.

Thật là chua xót biết bao! Má chỉ ước hai từ "chiến tranh" không bao giờ tồn tại trong từ điển tuổi thơ của con, hoặc có cũng chỉ xuất hiện trong những câu chuyện truyền thuyết hay thần thoại khi các vị thần chiến đấu với mục đích mang lại hoà bình cho muôn loài.

Trước đây, má có nhiều ước ao hoài bão cho công việc và cuộc sống gia đình mình, giờ thì mong ước lớn nhất có lẽ là đất nước Việt Nam luôn trong ấm ngoài êm để tuổi thơ thần tiên của con không bao giờ bị đánh cắp".

Đó là những dòng mà một nữ doanh nhân viết cho con gái mười tuổi, với niềm hy vọng lớn lao đem lại cho đứa con yêu quý một món quà duy nhất mang tên "hòa bình" trong những ngày Biển Đông dậy sóng. Hơn đâu hết, người Việt Nam ai cũng có trải nghiệm với chiến tranh.

Ngay những người sinh ra sau năm 1975 vẫn nói rằng, họ cùng với gia đình từng sống với những di chứng của chiến tranh, với những vết thương tinh thần, tình cảm suốt 40 năm vẫn chưa thể quên lãng. Ai nấy đều tự đặt cho mình một câu hỏi, làm gì để gìn giữ nền hòa bình quý giá mà suốt bao năm chúng ta đã chiến đấu vì nó?

Buổi sáng hôm ấy, khi những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu bày tỏ sự mong muốn bảo vệ lãnh hải Việt đi qua, tôi đã rưng rưng nhìn theo những người phụ nữ. Họ đang là những người mẹ. Cùng lúc ấy, cũng có một người phụ nữ khác ngồi im lặng bên tách cà phê nhìn theo đoàn biểu tình, nhìn chăm chăm các bạn trẻ má còn vương những nét trẻ thơ.

Chúng tôi biết chị ấy là du khách Trung Quốc. Nhìn các biểu ngữ tiếng Anh, chị hiểu chuyện gì đang xảy ra trên đường. Và như mọi người mẹ, chị ấy nhìn vào những đứa trẻ đáng tuổi con mình với bao tâm trạng!

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết trong tiểu thuyết "Lời thề” chuẩn bị xuất bản thế này: "Đất đai tiên tổ là nơi chia sẻ, là nơi đón nhận, là nơi ủ ấm những thân xác con cái người Việt đã bỏ mạng vì các cuộc chiến giữ đất giữ nước, sống thì cùng đất làm nên hạt lúa củ khoai, cùng đất rảo bước trên những nẻo đường, cùng đất cười đùa khi hạnh phúc, vục mặt vào đất khi khổ đau, bấu vào đất khi chân yếu tay mềm, tựa vào đất khi trời không yên, biển không lặng, chúi mặt vào đất khi tủi thân, khi buồn bã và cô độc, nằm yên ả trong đất khi nhắm mắt xuôi tay.

Sống thì bảo vệ đất đai, chết thì nằm trong đất đai, người Việt mãi là như thế, yêu đất đai và thề chết vì đất đai tiên tổ. Sống hay chết ở đây cũng chỉ để cho thiên hạ biết một điều, đảo này là của người Việt, lãnh thổ này là của người Việt, còn một trăm người cũng đứng lên bảo vệ, còn mười người cũng đứng lên bảo vệ, còn một người cũng đứng lên bảo vệ, không còn ai thì thân xác chôn vùi dưới đảo cũng là nhân chứng, cũng là mốc giới, cũng vẹn nguyên một lời thề giữ đảo...".

Hôm nay, hàng ngàn ngư dân vẫn lên đường ra biển, vừa kiếm sống, vừa bảo vệ lãnh hải. Hàng ngàn cánh tay chia sẻ đóng góp sức người sức của cho những người đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo xa. Đất nước vẫn thế, vất vả như người mẹ. Và người Việt vẫn thế, không có gì thiêng liêng hơn Tổ quốc.

>Những con thuyền dũng cảm ra khơi
>Văn hóa gì? Tự trọng ở đâu?
>
Lòng yêu nước vẫn vô tận

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thư của mẹ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO