Thở cùng sông

KIỀU ANH| 04/09/2016 01:23

Nhớ về sông là nhớ về nguồn.

Thở cùng sông

Nhớ về sông là nhớ về nguồn. Chị tôi định cư nơi nước Đức xa xôi khi trò chuyện cùng tôi qua điện thoại, câu thăm hỏi vẫn dễ thương và mộc mạc: "Sông Lam còn trong không em?". 

Đọc E-paper

Tôi đã từng uống nước dòng Lam vào một trưa hè ngồi đợi đò ngang ở bến Phuống. Uống vì khát. Uống vì thấy nước sông dạo ấy trong như gương. Trước khi đưa tay vốc nước để uống, tôi còn nhìn thấy khuôn mặt thiếu nữ của mình chưa kịp vỡ tan trong thứ gương nước mê ly ấy.

Phải nói, ký ức về một dòng Lam xanh trong của riêng tôi rất đẹp và mộc. Tôi đi qua nhiều dòng sông trong chuyến xê dịch tít tắp đời người, ít khi được soi bóng mình trong nước nữa. Vì qua sông là qua cầu. Vì sông đã vẩn đục. Và cả vì tôi đã không còn là một thiếu nữ.

Miên man dòng Lam, đã rất lâu rồi tôi vẫn nhớ màu vàng hoa cải ven sông. Đi từ chợ Cồn ra bãi cải ven sông đã thấy xốn xang một tự tình: "...em đang thì con gái/ đợi anh chưa lấy chồng...".

Bên kia sông - bến Phuống - vẫn còn màu hoa cải vàng rực nắng. Sao mà khắc khoải lại đầy thêm khi ta qua một chuyến đò?

Ở bến Phuống, sông Lam có một sự đối xứng dân sinh sống động. Người dân thông thương từ chợ Cồn sang chợ Phuống chỉ bằng một chuyến đò ngang. Cách trở làm chi khi bên ni gọi sang bên nớ? Cách trở làm chi khi lòng tận tụy của nhà đò đã không hao mòn tới tận hôm nay?

Bến Phuống vẫn có đò đêm. Tới tận khuya, chủ đò nghe tiếng gọi vẫn một lòng quay đò sang đón khách. Mặc nhiên, cũng không mặc cả. Khách lên đò, nhẹ lòng vì sự tận tụy.

Nhưng sông cũng đã khác. Chị tôi có hỏi về dòng Lam thì câu trả lời lại dạt về hoài niệm. Tôi biết, ngày chị qua đò Phuống, đúng mùa sông nước mát xanh trong, rồi mải miết làm ăn nơi xứ người. Nên nhớ về nhà, nhớ về sông với hình ảnh thơ mộng nhất. Cho bõ một nỗi nhớ. Cho đẹp một ký ức đây mà! Mà ở xa như thế, thơ mộng có đôi phần an ủi người tha phương.

Bông lau mùa nổi gió có còn rụng ở bờ sông mà tôi đã hàm ơn vì ngụm nước mát một trưa Hè nọ? Sông vẫn đang chảy về một hướng. Nhưng liệu dòng chảy có mãi êm đềm như thuở bình sinh? Bờ đã lở. Bác nông dân xứ Phuống đăm chiêu vác cuốc đi loanh quanh trong mấy chục mét vuông ruộng mình.

Dọc sông có nhiều thuyền lớn hút cát. Cát theo người về xây bao công trình kỳ vĩ, bỏ lại quãng sông trống huơ trống hoác. Sông cạn dần phù sa. Người nông dân ven sông lại nheo mắt nhìn về những hoa màu gầy ruộc.

Hờn trách sông ư? "Tiên trách kỷ..." thì hơn! Bảo rằng, một dòng sông luôn có sóng ngầm ở đáy. Tin rằng, việc "tiên trách kỷ..." sẽ tự mình điều chỉnh được mình. Bảo toàn một dòng chảy cho sông cũng như bảo toàn một ký ức. Bởi, một dòng sông như dòng Lam đã hóa trầm tích văn hóa tự ngàn đời!

Tôi chẳng thể sống hai lần thiếu nữ. Cũng chưa uống nước sông Lam lần thứ hai. Nhưng, mỗi lần nghĩ về câu hỏi của chị tôi, nghe bao nhiêu bài hát có nhắc đến Lam giang, hoặc bất chợt đọc câu thơ có bóng dáng dòng sông trong đó... lại thấy nhớ sông quê.

Nhớ để biết mình còn thở cùng một dòng sông có đủ đầy nắng, mưa và lũ!...

>Những cơn sốt đất trong lòng người

>Nông thôn không đáng trách

>Sắc màu mới ở làng chài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thở cùng sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO