Tết phố

BÙI VIỆT PHƯƠNG| 27/02/2016 06:20

Ngày Tết sẽ trường tồn cả ở những phố phường. Bởi phố có "quyền" có Tết và sẽ thấy cả những người ở thôn quê sẽ háo hức tìm ra phố.

Tết phố

Tết quê đã hằn vào nếp nghĩ. Tết của những cái chợ đậm chất thôn quê trong thơ Đoàn Văn Cừ, những lề lối đón Xuân, ăn Tết trong "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính, từ những hình ảnh đôi câu đối, nếp nhà xưa, nồi bánh chưng đêm giao thừa... Dường như, quê chỉ đẹp vào dịp Tết hay cứ đến Tết nhất định phải về được quê? 

Đọc E-paper

Nhưng nào chỉ vậy, đã từng có những cái Tết phố, Tết khu tập thể, Tết xí nghiệp, nhà máy, Tết trận địa pháo... vui lắm chứ! Giờ không còn chiến tranh, đường sá, phương tiện giao thông để di chuyển dễ dàng hơn thì người ta lại bỏ rơi những cái Tết ở nơi này.

Khu tập thể không còn dằng dặc những nồi bánh chưng nấu vội thì cũng mất luôn cả tiếng cười của những đoàn người kéo đi chúc Tết các nhà. Ngày Tết người nào cũng bận đi chúc sếp, chúc đối tác và bận đón khách riêng. Hàng xóm là hưu trí, bình dân vào nhà người sang trọng thì biết chúc gì cho phải?

Đám trẻ phố phường bây giờ không còn xúm xít chơi đùa, đứa bé thì chúi mắt vào điện tử, đứa lớn đã tập tành đàn đúm hội hè, phố có liên hoan thì chẳng biết nói gì nhiều ngoài chúc tụng rồi bài bác, khiêu khích nhau. Bởi thế, lắm nhà chọn cách kéo cả về quê với các cụ cho lành. Qua Tết lên nhìn thấy nhau chúc một câu cũng xong.

Thế là những người còn ở phố trong những ngày này mà còn mong Tết thì buồn lắm. Tivi, báo chí cũng đưa toàn cảnh thôn quê. Phố chẳng có hoạt động gì đủ sức hút để gọi là vui Xuân cả.

Tôi có những cái Tết nằm lì trong nhà hay nhìn ra phố qua ô cửa sổ. Phố ngày Tết trống vắng mênh mông, mong thời gian trôi nhanh để lại đi làm, đi học, xóm phố đông vui hơn. Có khi, nằm ngấu nghiến một cuốn sách dày cho qua ba ngày Tết.

Ai đã từng nhắc đến chuyện trẻ em ở phố bây giờ sợ bánh chưng, hành muối thì còn gì là không khí Tết nữa? Nhưng còn lạ hơn là chúng chẳng biết Tết sinh ra để làm gì? Bố mẹ hết giao việc dọn nhà, đi thả cá, bê đào, quất ngoài chợ thì cũng đành nhìn con chơi điện tử, Facebook tán gẫu. Giục về quê thăm ông bà chúng cũng làm như cái máy. Năm mới Xuân sang hệ trọng với người canh nông, còn với các em Tết cũng chỉ là cộng gộp của nhiều ngày Chủ nhật.

Tôi đã từng nghe ai đó khen giới trẻ bây giờ sùng thư pháp, thích xin chữ, thích hàng tò he, đi lễ chùa. Mới nhìn thì ai cũng thấy vậy. Nhưng rồi, chợt thấy lạ sao văn hóa truyền thống cứ mai một dần, các bạn trẻ càng hỡ hừng và kém hiểu biết về các giá trị văn hóa cốt lõi.

Thì ra, thật đơn giản đến trớ trêu, ai dạy các em yêu Tết và ăn Tết? Bánh kẹo đã bão hòa, không còn ai háo hức miếng giò, miếng mứt như thế hệ chúng tôi. Ngày trước, cả năm chỉ có một đêm thức đón giao thừa thì này nay nó đã nhàm so với những đêm thức xem phim hay online trên mạng. Cái giá của Tết như là một ý thức về văn hóa, cội nguồn thì mơ hồ đến xa vời.

Chẳng biết đến bao giờ phố mới có Tết thực sự, bao giờ mới có được những nghi thức Tết phố cho đúng nghĩa ngoài xem pháo hoa. Giật mình nghĩ tới những đêm Noel tưng từng. Ngày lễ đó mới được du nhập chưa lâu nhưng đã có chỗ đứng trong không gian văn hóa đô thị.

Biết đâu, có một ngày sẽ lại thấy các bạn trẻ đi chơi Tết đông vui thế để ngắm những dấu hiệu đầu tiên của mùa Xuân như người Nhật ngắm hoa anh đào. Tôi không chắc ngày đó sẽ tới gần, không quả quyết điều mình nghĩ là một hướng đi đúng đắn. Tôi tin ngày Tết sẽ trường tồn cả ở những phố phường. Bởi phố có "quyền" có Tết và sẽ thấy cả những người ở thôn quê sẽ háo hức tìm ra phố.

Điều đó giống như người ta vẫn thường tìm ra nhà những người bà con ở các đô thị để thưởng thức không khí đêm Giáng sinh vậy. Dường như lúc ấy, mùa Xuân sẽ tràn ngập khắc các ngả đường và náo nức trong lòng của mỗi người. Lúc đó, ta sẽ không phải tự hỏi: Ai người sẽ lấy phố làm quê?

>Mùa Thu trên phố

>Mùa Tết trong phố

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO