Tết Nhật

THIÊN THANH| 01/01/2016 06:47

Dù phát triển đến đâu, cái gốc gác vẫn không thể phôi pha! Đó là điều đã để lại sâu sắc khi tình cờ được ăn Tết Nhật theo Dương lịch.

Tết Nhật

"Ăn Tết Nhật", chỉ cụm từ ấy đã làm chúng tôi run rẩy sung sướng khi nghĩ đến những ngày được đón Tết Dương lịch ở xứ hoa anh đào.

Đọc E-paper

Năm ấy, chúng tôi theo một khóa học ngắn, tình cờ rơi trúng vào dịp cuối năm. Dẫu xót ruột vì cái Tết Âm lịch cũng cận kề, nhưng lòng cũng nhiều hồi hộp khấp khởi khi nghĩ đến dịp trải nghiệm đón năm mới xứ bạn.

Chuyến đi ngắn ngủi nhưng chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, tìm hiểu văn hóa Nhật kỹ lưỡng, và trong đầu đã mặc định sẵn, người Nhật với lối sống khắc kỷ, tiết chế, nên ai nấy chỉ chăm chăm lo chỉnh đốn tác phong cho phù hợp với tinh thần kỷ luật Nhật Bản. Dù sao những ngày ấy, không khí của Tết Dương lịch chưa thật sự ngấm, dẫu thấy phố phường siêu thị tấp nập người mua bán trong mùa Giáng sinh.

Một học viên trong lớp mời chúng tôi đến doanh nghiệp của anh ấy dự một buổi gặp mặt cuối năm. Cứ tưởng là một buổi hội họp trong hội trường công ty, chắc sẽ phải nghe những bài huấn thị tinh thần kiểu "tiến lên", chẳng ngờ khi đến nơi không hề nhìn thấy chút gì không khí một nhà máy đang sản xuất tơ sợi.

Tôi nhớ một đoàn người, rực rỡ kimono ùa ra đón khi xe vừa dừng lại. Tôi líu lưỡi không biết nên nói tiếng Anh hay vài câu tiếng Nhật học tủ chúc Tết, bởi vì các cô gái Nhật hôm ấy trông quá tuyệt vời với hàng chục kiểu áo Kimono truyền thống và cách tân, gò má đỏ hồng vì đã hai hôm trời có mưa tuyết.

Và chúng tôi được đưa thẳng xuống bếp, khu vực hằng ngày công nhân vẫn ăn uống. Nhưng hôm ấy, tất cả đã được trang trí như một ngôi nhà trong gia đình. Mấy cô gái thạo tiếng Anh đã nhanh chóng làm quen và đưa chúng tôi đến từng nhóm để làm quen. Cái gì cũng lạ, chỉ có cái tinh thần thì bỗng chốc rất giống cái Tết cổ truyền quê nhà.

Các anh đầu bếp đang nỗ lực dạy các cô gái trẻ cách làm bánh gạo Omochi cổ truyền. Vừa làm anh vừa càm ràm mấy cô vụng về, và tôi nghe loáng thoáng anh ấy đang quở cô nào không làm được bánh gạo thì đừng mong lấy được chồng người Nhật. Chính lúc ấy, hai cô bạn người Hải Phòng bắt đầu rớm nước mắt nhớ nhà khi nghe chuyện không làm bánh thì không được lấy chồng. Đúng là người cùng văn hóa.

Chúng tôi lấy lại khí thế khi nghe sếp tổng công ty hô hào nhân viên thay đổi cách xưng hô để mọi người xích lại gần nhau, dẹp bỏ hết những muộn phiền năm cũ đón năm mới. Cả trăm năm không đón năm mới theo Âm lịch nữa, nhưng cái Tết Dương lịch của Nhật vẫn giữ trong lòng lối cũ bên vỏ bọc kỷ cương có đôi phần cứng nhắc máy móc hằng ngày.

Chúng tôi trố mắt khi thấy chính sếp tổng leo mấy bạc thang để treo Kadomasu trước cửa vào văn phòng chính. Nó là vật trang trí đẹp, mạnh mẽ gồm mấy đoạn tre và thông tươi xanh, nhìn hiểu ngay là biểu tượng cho mong ước đón một năm mới đầy sức sống về.

Trước thềm một năm mới, người Nhật như quên hết cả trăm năm gồng mình phấn đấu cho một cuộc sống phát triển nhưng đậm công nghiệp. Truyền thống Á Đông tin tưởng hướng về một thế giới tinh thần xưa cũ, bao gồm những điềm may và rủi, nghiêm túc thực hiện nghi thức ăn bát mì với sợi mì dài không nhai, giữ nguyên vẹn để gặt hái những điều tốt trong năm mới.

Rồi những hàng người xếp hàng vào lễ chùa. Mỗi người đánh một tiếng chuông, những người khác lắng nghe trong yên lặng, và dường như họ đang thanh tẩy những điều sân si của cuộc sống để thật sự nhẹ lòng và mạnh mẽ bước vào năm mới! Chỉ ba ngày vỏn vẹn thôi, nhưng nước Nhật đã để lộ tâm hồn truyền thống thú vị.

Cuộc sinh tồn hàng trăm năm để lại dấu ấn văn hóa trong mỗi dân tộc! Dù phát triển đến đâu, cái gốc gác vẫn không thể phôi pha! Đó là điều đã để lại sâu sắc khi tình cờ được ăn Tết Nhật theo Dương lịch.

>Ăn tết ở Las Vegas

>Ngon như “ăn Tết”

>Ăn Tết Tây dưới lòng đất

>Đón Tết trên đất phương Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO