Tết, đi về trong lòng phố

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN - Ảnh: NVN| 30/01/2014 06:19

Những khoảnh khắc vắng lặng đến hẫng hụt khiến ta tự vấn, con người, đám đông ngày thường đã đi đâu tìm Tết? Phải chăng Tết không thuộc về đô thị?

Tết, đi về trong lòng phố

Thành phố như dần dần bị rút rỗng vào những chiều giáp Tết. Và sẽ gần như vắng vẻ tuyệt đối vào những buổi tinh mơ Nguyên đán. Những khoảnh khắc vắng lặng đến hẫng hụt khiến ta tự vấn, con người, đám đông ngày thường đã đi đâu tìm Tết? Phải chăng Tết không thuộc về đô thị?

Đọc E-paper

Cái chật chội ngột ngạt thường ngày, sức sống cuồn cuộn được dậy lên từ men của bụi, khói, tiếng động cơ, hơi nóng hầm hập, mùi hỗn hợp..., tất cả được những cơn mưa Xuân ngẫu hứng rửa sạch.

Sự ồn ào, lao xao, chộn rộn tan biến một cách chóng vánh. Không khí chuyển từ trạng thái đông đặc, ngột ngạt sang giãn nở, thư thái. Thời gian trở thành một thứ thực hữu đến độ có thể nâng được trên tay như cách ta nâng tách cà phê đen đậm chào buổi sáng đầu năm ở một ngách hẻm hắt hiu se sắt.

Và bây giờ, trong những phút ngồi không, bạn có thể thưởng thức được vị đắng của từng giọt cà phê tan trên đầu lưỡi như một người từng trải cuộc đời ngồi quán tưởng và nếm dư vị thời gian. Những mặt người, những nói cười, những buồn vui hôm qua chầm chậm theo nhau về.

Ở cái thành phố được cho là năng động và sôi nổi này, thời gian ít khi là thứ mà người ta có dịp nhâm nhi, chiêm ngắm bằng tất cả các giác quan và cả linh giác của mình.

Nhiều người buồn vì thiếu vắng đám đông. Dễ hiểu, thường ngày họ ngập chìm trong sự í ới nói cười và không quen chịu đựng cảm giác trống vắng, một mình. Thiếu tiếng người, thiếu áp lực sống, họ có cảm giác bị bỏ rơi, thừa ra, vô vị.

Nhưng cũng có những kẻ ngược lại, chứng tỏ tinh thần thị dân cô đơn thứ thiệt, lại tìm thấy chút khoái cảm trong khung cảnh yên tĩnh đột ngột đó. Hắn, bằng mọi cách, ra khỏi nhà vào đêm Giao thừa hay sáng mùng Một và một mình lái xe vi vu để tận hưởng cảm giác thênh thang hiếm hoi trong năm, khi thành phố, về mặt nào đó, đã thong thả trút khỏi mình khối nặng nề náo nhiệt, khối xáo động quên giờ giấc mà dân nhập cư mang đến quanh năm, chẳng lúc nào yên.

Nhưng đó là cảm giác của con người. Mặc thế nào, thì đường phố vẫn thế, giấu bên dưới sự náo nhiệt hay im lặng là những cuộc dịch chuyển âm thầm mà làm nên những đổi thay cảnh sắc, mỗi khoảnh khắc, mỗi ngày, mỗi mùa, như một người kể chuyện giàu nội tâm, trí tưởng và đầy khéo léo, tiết lộ với chúng ta vô vàn điều bí mật trong một thứ ngôn ngữ chẳng bao giờ cũ.

Ba trăm sáu mươi lăm ngày mới một lần trở lại sự tĩnh lặng đó. Khung cảnh, cửa nhà, bảng hiệu, con đường thường ngày, mặt tiền trung tâm buôn bán sầm uất nay trơ trọi những hàng hiên, những cánh cửa đóng kín, chúng được bảo vệ bằng những ổ khóa lớn.

Ở các cổng công sở, bên ngoài những song sắt kiên cố là những mảnh giấy niêm phong có dấu son đỏ và dăm chữ ký vội vàng, nguệch ngoạc... Cái sặc sỡ của bài trí, trang hoàng cho thời gian mua sắm cuối năm giờ dường như vẫn còn nguyên đó dấu vết.

Đèn trên những tàng cây xanh vẫn nhấp nháy theo một nhịp điệu riêng khi chiều đổ vào đêm. Và âm nhạc mừng Xuân vang lên đây đó.

Rồi đám đông ùa ra, tụ về một nơi. Rừng mắt dáo dác nhìn, rừng tay lái ngược xuôi trên những nẻo phố không định trước. Dòng dòng chuyển động ngẫu hứng. Và pháo hoa sáng lấp lánh mặt sông.

Giao thừa. Con đường bị nêm cứng bởi xe cộ tự phát. Chốc lát nữa thôi, tất cả lui về những góc nhà riêng ấm cúng. Trả lại sự vắng lặng thực sự cho đường phố.
Bạn chạy xe trên đường phố nửa đêm về sáng mùa Xuân, nghe thấy sự lặng yên của cảnh vật thấm sâu, xao xuyến ngân rung trong từng tế bào máu.

Không câu nệ hình thức, tiết giảm những thăm thú, hỏi han, thậm chí, đơn giản hóa mọi lề lối sinh hoạt lễ lạt truyền thống. Tết phố, bạn sẽ có gì? Những giấc ngủ đầy?

Chìm vào thế giới của những bộ phim Tết mộng mị theo mùa trong các rạp phim để quên mất nỗi ám ảnh thời gian không biết cất vào đâu? Đến chen chân trên những con đường lễ hội có màu sắc sân khấu hóa đời sống nông thôn ngay giữa những đại lộ trung tâm?

Tìm những chuyến đi xa trải nghiệm một cái Tết gió bụi? Hay chuẩn bị một danh sách những người từ thân đến sơ còn neo lại thành phố để thiết kế nên những hẹn hò? Và sau đó là những trận nhậu liên tu bất tận cho qua những ngày nhàn rỗi?

Bạn sẽ phải chọn lựa, quy hoạch thời gian, lên kịch bản nào cho ba ngày Nguyên đán ở đô thị này, để chống lại cảm giác nhớ Tết.

Thực sự, đó là một quãng thời gian bất thường trong năm. Những dòng người chen lấn, ào ạt đổ về muôn nẻo quê nhà, những chuyến xe, chuyến tàu, chuyến bay tăng cường để đáp ứng cái nhu cầu ấy, suy cho cùng, đã minh chứng rằng, phía sau sự thư thái thênh thang là một thực tại có vị đắng: người ta sôi nổi vồ vập với thành phố trong cuộc mưu sinh, nhưng mấy ai nghĩ ký thác cả đời sống nội tâm, tinh thần của mình vào nó để xua khỏi trí nhớ những chốn trở về.

Cuộc rút khỏi thành phố của đám đông thật sòng phẳng, lạnh lùng, để lại một đô thị hãnh tiến, văn minh chơ vơ đến trống rỗng. Những phồn hoa huyên náo ngày thường chìm lắng xuống.

Những khoảng thở được nới rộng, nhưng thiếu sinh khí tương giao. Những đường hoa, phố kiểng, khu vui chơi cho thiếu nhi, các tụ điểm giải trí ngày Tết còn lại bên những tòa nhà ngạo nghễ chọc trời, trên các đại lộ kiêu hãnh, lạ thay lại khai thác không biết chán hình ảnh làng quê như một cuộc khơi gợi, đeo bám ký ức, kiếm tìm những giá trị truyền thống cân bằng.

Nhiều năm, vẫn ruộng đồng, nhà cửa, thuyền bè, bụi chuối, bờ ao, lũy tre, mái rạ... bên những tòa nhà lạnh lùng. Cứ như sự hiện đại, cái tráng lệ hằng ngày ta vẫn ngưỡng vọng thực ra chỉ là một chiều của đời sống, nó không đủ làm nên cái sung túc tinh thần.

Thôn quê, sự quyến rũ ký ức hữu tình gắn với các giá trị truyền thống được phục hồi, phục chế, khám phá trở lại ở một dạng thức khác trong những ngày Tết đô thị. Và cái lý lẽ đơn giản cho “thực đơn hương quê” quen thuộc suy cho cùng là: cung ứng hình ảnh hoài niệm về thời gian đã mất và phần nào xoa dịu những tâm hồn khát quê, những kẻ lưu lạc trở về tìm quê hay những kẻ không có quê để về.

Tất cả, là một hành trình của sự trở về.

Thật vậy, Tết truyền thống suy cho cùng là quãng thời gian con người sống trong tâm thức trở về. Nhưng ở vào thời đại mà ta đang sống, đứng trong làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ khó cưỡng, thì thành phố xem ra chỉ gắn với tâm thức của sự ra đi hơn là tìm về.

Có lẽ vì vậy mà những ngày Tết trong lòng phố, không gian và thời gian nhuốm trong nỗi trống trải và hoài nhớ những mùa Tết đã xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết, đi về trong lòng phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO