Tấm vải Chăm ở Hội An

Bích Hồng| 25/04/2019 08:51

Trong khu vườn yên tĩnh ở ngoại ô Hội An, có ba người già đang ngồi trầm tĩnh bên khung cửi, ngày ngày cặm cụi dệt những đường hoa văn bí ẩn. Hai chị em đều trên bảy mươi tuổi, và một cụ ông là chồng người chị ngồi bên giúp họ se sợi, tuốt chỉ. Thỉnh thoảng du khách muốn dệt thử, cụ bà mỉm cười hiền hậu, chỉ cho những bàn tay vụng về tập làm quen với khung cửi. Cả ba cụ là người Chăm đến từ Ninh Thuận, hàng ngày có nhiệm vụ dệt cho du khách xem nghề truyền thống của người Chăm.

Tấm vải Chăm ở Hội An

Tại sao tuổi đã thất thập, ông bà vẫn ngày ngày ngồi dệt thổ cẩm như vậy? Cụ ông kể: "Người làm nghề dệt, để sản phẩm sống được phải không ngừng sáng tạo trên những nét đặc trưng mang tính bản sắc. Công việc khó, thu nhập lại không cao nhưng vẫn phải giữ lấy cái nghề. Nếu không giữ nghề thì sau này khi mình qua đời, nghề của cha ông sẽ mai một. Sẽ không còn ai biết đến mặt hàng thổ cẩm Chăm từng tồn tại và nổi tiếng cả trăm năm qua. Mình không giữ thì cũng khó truyền cho con cháu. Cũng may tôi có đến năm đứa con nối nghề bố mẹ. Và trong hầu hết các gia đình Chăm theo nghề dệt vải đều có con cháu nối nghề”. Đó là lý do các cụ chịu rời khỏi ngôi làng bình dị ở Ninh Thuận để về Hội An làm nghề dệt thổ cẩm.

Cách cụ bà suy nghĩ cũng thật giản dị: "Mình nuôi mười đứa con ăn học thành người nhờ cả đời ngồi dệt thổ cẩm Chăm. Mỗi khi các cháu về thăm, mình đều nhắc lại với các con, người Chăm chúng ta có vốn qúy nhất là kỹ thuật dệt và hoa văn truyền thống. Các con có học, hãy làm sao để hai thứ đó đừng mất đi, hãy trả ơn cho thế hệ trước bằng cách ấy". Trong gia đình có năm người con theo nghề của cha mẹ, họ đến các khu du lịch, trình diễn nghề dệt thổ cẩm cho du khách xem. Bên cạnh các cụ, ở Hội An còn có những nghệ nhân trẻ hơn, đang cố gắng phục hồi nghề dệt lụa cổ truyền của người Quảng Nam. Mỗi ngày họ kiên nhẫn gỡ từng mối tơ rối, chỉnh những sợi tơ nhuộm màu để làm nên một loại khăn hoa văn cổ truyền. Bỗng nghĩ ở đâu cũng có những người bình dị đang chèo chống cuộc sống khó khăn để giữ lấy nghề truyền thống.

Ngày trước người viết từng đứng ở những triền núi Sa Pa ngắm người đàn bà Hmông dắt ngựa về nhà sau phiên chợ. Người đàn ông Hmông nằm vắt ngang trên lưng ngựa chìm trong men rượu và mùi thắng cố! Người đàn bà vừa đi vừa tuốt sợi gai để mai dệt váy áo, vừa dắt ngựa, vừa trông chừng chồng khỏi ngã. Ngày trước từng ngồi bậc thềm chợ cũ Sa Pa đến 11 giờ đêm, chờ một người đàn bà Hmông thêu nốt những đường cuối cùng trên chiếc khăn. Chị vừa thêu khăn vừa trả lời nhát gừng những câu khách hỏi về cuộc sống của chị. Dường như đâu có gì vui. Thế nên tôi bỗng nghĩ mình mua một vuông vải thổ cẩm ấy, như mua một quãng đời người phụ nữ dân tộc gửi gắm vào những đường thêu, có lúc vui, có lúc buồn. Bây giờ thổ cẩm hoa văn rất nhiều,mọi người có thể đặt mua trên mạng để đem về thiết kế thành những bộ khăn trải bàn độc đáo. Ngồi ngắm những hoa văn ấy, ta bỗng thấy những gương mặt khắc khổ người phụ nữ ngồi dệt ngồi thêu loang loáng lướt qua, hiền dịu và nhẫn nại mặc cho cuộc đời vụt trôi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tấm vải Chăm ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO