Tâm hồn chai sạn sẽ là một "di sản"?

BÍCH HỒNG| 04/12/2012 01:46

Trên kênh truyền hình cáp HBO đang chiếu một bộ phim dài tập rất lôi cuốn người xem mỗi tối Chủ nhật, tựa đề Home land (Quê nhà), có đoạn miêu tả "sự cố” gây sốc đối với các nhân vật chính.

Tâm hồn  chai sạn sẽ là một

Trên kênh truyền hình cáp HBO đang chiếu một bộ phim dài tập rất lôi cuốn người xem mỗi tối Chủ nhật, tựa đề Home land (Quê nhà), có đoạn miêu tả "sự cố” gây sốc đối với các nhân vật chính.

Đọc E-paper

Trên kênh truyền hình cáp HBO đang chiếu một bộ phim dài tập rất lôi cuốn người xem mỗi tối Chủ nhật, tựa đề Home land (Quê nhà), có đoạn miêu tả "sự cố” gây sốc đối với các nhân vật chính.

Cô con gái 17 tuổi của Thượng nghị sĩ Mỹ có mặt trên một chiếc xe gây tai nạn và cậu bạn lái xe chạy bỏ mặc nạn nhân. Vì người lái xe là con trai của Phó tổng thống Mỹ nên vụ việc bị thế giới người lớn ém nhẹm, không trình báo cảnh sát. Các nhân vật chính sốc vì chuyện họ phải đối diện với vấn đề con gái họ không được phép làm đúng nghĩa vụ công dân, là khai báo sự thật.

Trong bộ phim, cô gái mới lớn còn sốc khi đối diện với những "thủ pháp" chạy tội của gia đình Phó tổng thống, như cho thật nhiều tiền để gia đình nạn nhân không tố cáo! Được xã hội và gia đình dạy dỗ phải sống đúng với quy định của pháp luật, cô bé đau khổ đến hoảng loạn, và ông nghị sĩ đối diện với nỗi đau đớn của con gái cũng không giải quyết được vì thế giới chính trị ràng buộc! Đời sống tinh thần của gia đình này đảo lộn chỉ vì nỗi lo con gái họ sẽ trở thành người xấu khi sống trong môi trường dối trá của quyền lực!

Một bài học giáo dục đạo đức thấm thía cho chúng ta, những người hằng ngày ở lằn ranh sáng tối của tôn trọng pháp luật và "sống chết mặc bay". Hơn bất kỳ thời kỳ nào, xã hội chúng ta đã ở thế báo động khi nằm trên lằn ranh đó, với những biểu hiện sử dụng quyền lực và vật chất vô lối.

Chúng tôi đã lắng nghe một cô gái 19 tuổi kể về trải nghiệm tương tự của cô khi vướng vào một vụ tai nạn xe máy trên phố. Cô gái này chưa có giấy phép lái xe, và hiện trường xác định cô đi sai làn đường.

Người thứ hai trong vụ tai nạn là một thanh niên phóng vượt tốc độ cho phép, và trong người có biểu hiện đã uống rượu. Những cái sai cộng hưởng và hậu quả là hai chiếc xe hư hại nặng.

Vụ gây tai nạn đã được lập biên bản. Tuy nhiên, sau đó cả hai gia đình "kẻ tám lạng, người nửa cân" đều dùng một trong hai thứ cẩm nang, hoặc tiền, hoặc các quan hệ quen biết để toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn được xóa bỏ không dấu vết.

Không đơn giản là Nhà nước thất thu vài triệu đồng phạt người vi phạm Luật An toàn Giao thông Đường bộ. Không đơn giản là mấy nhân vật chính của vụ việc "thoát" sự trừng phạt mang tính răn đe giáo dục!

Ở đây là việc giải quyết "sự cố” của không ít người Việt khi có một trong hai thứ: có tiền hoặc có quyền, và họ sử dụng nó để giảm thiểu thiệt hại cho cá nhân mình và đạt được "phần thắng" ngoài xã hội, một thứ thắng lợi tinh thần kiểu A.Q (nhân vật của nhà văn Lỗ Tấn - Trung Quốc).

Câu chuyện cô gái kể trên rất phổ biến trong đời sống hằng ngày. Người có tiền sẽ đến ngay "hiện trường" làm "luật" cho chắc chuyện. Người có quyền đủng đỉnh gọi điện thoại biến cái phức tạp thành cái đơn giản.

Mọi chuyện sẽ rơi vào im lặng. Không có ai thấy tổn thương, thấy đau đớn vì mình vừa phạm luật, vừa quay lưng với đạo đức xã hội vì trốn tránh trách nhiệm cá nhân!

Không có ai nghĩ đến hai nhân vật chính gây tai nạn suy nghĩ gì về hành vi của "người lớn" giải quyết câu chuyện theo cách riêng của họ. Không ai nghĩ đến chuyện những đứa con của mình sẽ thành người ra sao khi bài học đầu tiên về sống theo hiến pháp và pháp luật lại được cha mẹ coi nhẹ tựa lông hồng.

Nhẹ nhất những đứa trẻ sống trong vòng ảnh hưởng của "tiền và quyền" sẽ có một tâm hồn chai sạn, rủi ro hơn trên đường đời chúng có thể vô đạo đức, vi phạm pháp luật gây hậu quả lớn.

Khoe tiền và khoe quyền là mốt, một thứ "ma túy" mà không có người Việt đang nghiện. Có người thường khoe khoang về khả năng giải quyết những vấn đề khó khi có sự cố với pháp luật, với công việc, với những đường dây thao túng mọi hoạt động của xã hội.

Chính những thành phố tập trung tiền bạc và quyền lực nay đang là khu vực xuất hiện những biến dạng của suy nghĩ "tiền - quyền" trong mọi hành vi ứng xử. Bà "cháo chửi", "bún quát" thích động thủ với khách cũng vì thấy mình có quyền lực với tài nấu ăn ngon.

Bà phải tỏ cái quyền đó ra cho thiên hạ thấy bà quan trọng. Và khách hàng cứ cúi đầu mà ăn uống trong bầu không khí ô nhiễm văn hóa đó, bởi họ đã chai sạn, vô cảm.

Tội ác leo thang ngay trong gia đình cũng bởi những bức bối của quan hệ ứng xử. Đi ăn trộm chó có thể bị đánh tới chết, hoặc người trộm chó có thể bắn chết chủ nhà là những chuyện chúng ta chưa thể hình dung tới cách nay một thập kỷ. Bây giờ những người sống đạo đức lại là người yếu nhất, người bị dư luận chê bai là khờ khạo, thiệt thòi nhất.

Chúng ta suy nghĩ gì khi để lại cho hậu thế một "di sản" khủng khiếp, đó là sự chai sạn trong tâm hồn trước những đúng sai diễn ra hằng ngày. Sự muốn "thắng" của bao người sao mà giống con người thời "ăn lông ở lỗ” chỉ biết dùng sức mạnh để tồn tại, bất chấp quy tắc, luật lệ, đạo đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tâm hồn chai sạn sẽ là một "di sản"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO