"Tái cơ cấu" cuộc sống

THIÊN THANH| 11/10/2013 05:43

Có một nhà báo trải nghiệm quá nửa đời người một hôm bỗng đúc kết: "Người Việt mình mặt khó đăm đăm!".

Có một nhà báo trải nghiệm quá nửa đời người một hôm bỗng đúc kết: "Người Việt mình mặt khó đăm đăm!".

Đọc E-paper

Nghe câu kết luận ấy bỗng giật mình nhìn ra đường phố, nhìn vào chỗ công cộng thấy quả không sai lắm. Có lúc nào đó đứng trên vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch, nơi đã vào tới nhạc, tới thơ với danh xưng "con đường có lá me bay", hãy nhìn ngắm dòng người xe đang lướt qua vào một ngày bình thường, quả nhiên câu nói kia mười phần đúng hết bảy.

Cố gắng giải thích cái vẻ "khó đăm đăm" ấy bằng chuyện kẹt xe trễ giờ làm, rằng giao thông hỗn loạn, không tập trung lái xe còn cười với ai để gây tai nạn, lúc thì biện hộ thời buổi "người khôn của khó”, trăm nỗi lo nghĩ nên cái mặt cứ khó đăm đăm chăng?

Bước vào thang máy chẳng hạn, không gian chật hẹp thế, ánh mắt chẳng tránh đi đâu được, nhưng một lời chào, một câu hỏi vu vơ về thời tiết, ta vẫn tiết kiệm lắm, và nét mặt cũng vẫn thế, xa cách! Bảo là vất vả quá, nghèo quá nên nét mặt thế.

Nhưng chẳng thiếu gì người giàu "nứt đố đổ vách" mà nét mặt cũng khó có sự thư thái, an nhiên. Nơi những nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài Gòn, vẫn không thiếu những ánh mắt hoặc mệt nhọc, hoặc phải săn đón theo tiếng nói cười, hay cặp lông mày cau lại của đối tác, bởi người Việt có thói quen mang công việc đến tận bàn ăn buổi tối.

Có một nữ doanh nhân tâm sự, từng ngày đối với chị như con đường khổ ải với cái gánh nặng phải lo cho sự an nguy của doanh nghiệp, lo thu nhập của nhân viên sụt giảm, đến mức không tìm được sự thoải mái cho cuộc sống của chính mình.

"Xả stress" cho nét mặt giãn ra, cho tâm can thư thái là ý thức của con người hiện đại, đặc biệt là những người thành công và bận rộn. Nhưng làm một cách có ý thức, thường xuyên thì không mấy ai làm được.

Một doanh nhân chia sẻ, anh làm giám đốc kinh doanh một tập đoàn thương mại của nước ngoài, nhưng bạn bè anh lại khá nhiều người thuộc típ "doanh nhân - nghệ sĩ”. Những cuộc hội họp của họ diễn ra thường xuyên tại tư gia của một người trong nhóm.

Tinh thần của buổi tối thư giãn chính là sự góp sức của từng người. Họ ngồi bên nhau, trò chuyện, ăn tối, lắng nghe một người bạn vốn là một nhạc sĩ nổi tiếng độc tấu kèn saxophone những bản tình ca Pháp, hoặc nhạc Trịnh Công Sơn, thưởng thức một tác phẩm hội họa chủ nhà mới mua, chia sẻ với nhau kế hoạch làm từ thiện sắp tới.

Những buổi hội họp kiểu ấy thường được tổ chức trong các gia đình có danh phận, chủ nhà có uy tín, thu hút bạn hữu bằng trình độ văn hóa và tiềm lực tổ chức những không gian buổi tối ấm cúng.

Tại khu nhà vườn ngoại ô Sài Gòn, hằng tháng có đêm thiền dưới trăng, người tham dự đến đó dùng cơm chay. Ánh trăng trên cao, người ngồi thiền bên dưới, tập cách buông bỏ, quên hết mọi ưu phiền, lo lắng, mở lòng ra cho năng lượng vũ trụ đi vào và chuyển hóa thân tâm.

Tham dự thiền trăng đã không còn là một chuyến đi thư giãn cuối tuần, mà trở thành một điều gì đó lớn lao và sâu sắc hơn, giúp người ta "ngộ” ra nhiều điều hay về cách sống hài hòa với thiên nhiên.

Không phải ai cũng đủ "năng lực" mổ xẻ chất lượng cuộc sống cá nhân và "tái cơ cấu" cuộc sống theo hướng tích cực. Phần đông ai cũng nghĩ mình thiếu điều kiện về tài chính, về thời gian.

Nhưng cái thiếu lớn nhất họ đã không quyết tâm đầu tư, bồi bổ tinh thần giống như chạy tìm các bài thuốc bổ quý hiếm cho thân thể. Đôi khi thang thuốc bổ chính là những người bạn hợp ý ngay bên cạnh mà ta bỏ lỡ không tìm đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Tái cơ cấu" cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO