Sống ở phố Tây

HỒNG BÍCH| 15/10/2016 01:50

Ở Hội An, hầu như các phố cổ bây giờ đã thành "phố Tây" hiểu theo nghĩa đón tiếp người nước ngoài. Nhưng người Hội An sống bình thường như chưa hề có cơn lốc du lịch.

Sống ở phố Tây

"China Town" thường được nhiều người nhắc đến và khi du lịch họ thường thích đến đó. Nhưng ở Bangkok, phố Tàu rất gần phố Tây và ai cũng biết phố Tây bây giờ thú vị hơn các con phố Tàu.  

Đọc E-paper

Phố Tây thú vị vì văn hóa là do người phương xa mang đến. Thỉnh thoảng ngồi ở phố Tây Huế, dọc con đường Phạm Ngũ Lão tỏa ra những con đường nhỏ xung quanh, thấy thật thoải mái khi ngắm nhìn những cô gái Huế mặc quần soọc cùng bạn bè ngồi uống cà phê.

Ở đó, những phụ nữ Huế luôn mỉm cười, thưa dạ khi bạn trả giá một phần ba cho chiếc váy. Ở đó, bạn chỉ kêu có chai bia nhưng có thể ngồi suốt buổi tối nhìn con phố nhỏ không mấy nhộn nhịp những tài xế taxi tìm khách, những cửa hàng lưu niệm lưa thưa người. Nhưng âm thanh của phố rất đặc biệt, xen giữa những thứ tiếng nước ngoài lao xao là tiếng leng keng của xe kem mùa hè, tiếng rao bán bánh chưng kiên nhẫn, nhỏ nhẹ...

Tôi thích cái không khí ấy, dường như ai đến Huế cũng thu bớt bản ngã để nhẹ nhàng hơn, tiếp nhận nhiều hơn là thể hiện. Những người nước ngoài không nhảy múa, hò hét như ở phố Tây Khao Sản, Bangkok. Ở Huế, người ta chỉ nên mỉm cười.

Chị Thanh Nga sống ở phố này khởi đầu từ quán ăn nhỏ. Những người khách đầu tiên ăn cơm Huế rất thích cái màu sắc Á Đông đậm đặc trên đĩa mì xào kiểu Ý. Dần dần những quán bar, cửa hàng lưu niệm mọc lên, vài họa sĩ trẻ đặt thêm phòng tranh nhỏ. Những người nước ngoài đến đây thường dừng lại rất lâu, ngồi xem các họa sĩ làm việc, nhấm nháp cốc bia, mua bán cũng nhỏ nhẹ, cảm giác họ bỗng "rất Huế".

Chị Thanh Nga bảo, ai đến đây cũng vậy, vài tiếng đồng hồ đầu tiên họ muốn cởi áo ở trần vì nắng nóng xứ Huế, cũng muốn cầm chai rượu đi trên phố, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau, những con người xa lạ bỗng thay đổi, điềm tĩnh và dễ thương "chi lạ".

Ở Việt Nam giờ những thành phố lớn đều có phố Tây. Nhưng tôi thích cái cách người Việt mình sống ở phố Tây vẫn rất Việt. Họ vẫn ăn cơm giữa quán, dành cho gia đình giờ khắc quan trọng là bữa ăn.

Ở Hội An, hầu như các phố cổ bây giờ đã thành "phố Tây" hiểu theo nghĩa đón tiếp người nước ngoài. Nhưng người Hội An sống bình thường như chưa hề có cơn lốc du lịch. Họ vẫn chậm rãi sống cuộc sống truyền thống của mình. Những người phụ nữ Hội An rất ít mặc váy, trừ các cô gái trẻ đi làm việc công sở. Những người bán hàng vẫn ngồi ngoài đường mời chào khách và chuyện vãn với hàng xóm, tạo nên cảnh thanh bình làm khách thấy thú vị.

Một hôm tôi trông thấy một người Ấn Độ đến phố cổ Hội An mở một cửa hàng bán khăn lụa Ấn, sau ngày khai trương, buổi tối tình cờ ngang qua con phố đông đúc khách du lịch, tôi thấy anh chàng Ấn Độ đang ngồi trên chiếc ghế nhựa trước cửa hàng chờ khách, trông anh ta giống hệt một người Hội An khi cửa hàng đang lúc ế ẩm. Lúc ấy không thể không mỉm cười và nói "hello" để động viên một người Hội An mới!

>Về Bạc Liêu, dạo “phố Tây”

>Du lịch nhìn từ con phố Tây

>Phố “Tây ba lô”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống ở phố Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO