Qua đường "ví dặm"

KIỀU ANH| 03/10/2015 06:46

Nhiều người trẻ đã trót mê ví, dặm, hằng tuần lên hồ Tây tập hát, phiêu diêu trong thứ "thổ sản tinh thần" xứ Nghệ. Mê để đi đến tận cùng niềm đam mê với ví, dặm mà điểm khởi phát là một góc hồ Tây của Hà Nội.

Qua đường

Gió hồ Tây lồng lộng, làm tung bay tà áo tứ thân của cô gái nhỏ. Gió cũng đưa những điệu ví, dặm vang xa giữa sóng nước chiều nay.

Đọc E-paper

Bây giờ đi ngang sân đình hồ Tây là ngong ngóng câu ví, dặm có nguồn gốc từ xứ Nghệ. Đình làng vốn tĩnh lặng để từng câu hát từ trong lồng ngực của người trẻ được ngân lên.

Sôi nổi, tình tứ khi hát điệu ví phường vải: "Đôi ta như chỉ xe đôi/ Khi săn, săn cả, khi lơi, lơi cùng", hoặc "Đôi ta như rắn liu điu/ Nước chảy mặc nước, ta dìu lấy nhau"... Ý tứ trong ca từ dập dìu đôi hát. Trạng thái đó mặc nhiên được người hát khai thác để xứng với hồn cốt của điệu ví, câu dặm.

Không biết có bao nhiêu người gốc Nghệ An, Hà Tĩnh một chiều dừng lại nhớ quê khi nghe đối đáp sắc bén, tinh nghịch: "Đố anh chi sắc hơn dao/ Chi sâu hơn bể, chi cao hơn trời / Em ơi mắt sắc hơn dao/ Bụng sâu hơn bể, trán cao hơn trời". Nghe mà thấm thía!

Các cặp "quân tử - thuyền quyên" đời 8X và 9X trót yêu câu ví, dặm vốn cất giữ lớp lang trí tuệ dân gian. Có những buổi chiều, cả nhóm kỳ công dựng lại cảnh trên bến dưới thuyền bên hồ Tây. Đình bên hồ đã mở ra một không gian nối liền trữ tình, tưởng tượng đó là sông Lam núi Hồng.

"Người ơi! Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh", anh sinh viên hóa trai làng ngồi tựa mạn thuyền hát lên câu ví tâm tình.

Man mác giữa bao la, cứ gợi nhớ đến con đò xuôi ngược sông Lam đã đến nơi cắm con sào mà nghỉ ngơi thong thả. Cứ như nhắc nhở những ngậm ngùi trong một kiếp cần lao của người dân xứ Nghệ.

Rất nhiều người đi qua đường đã dừng chân để nghe người trẻ hát. Họ chưa thể luyến láy điêu luyện như các nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng cứ nhìn ánh mắt của cô sinh viên khi hát ví đò đưa mới hiểu hết vì sao họ lại gạt đi những giọt mồ hôi khi đạp xe hàng chục cây số đến hồ Tây. Lấp lánh niềm vui khi nghe người khác khen: "Hát có tình lắm, cháu ạ”.

Những người trẻ đã trót mê ví, dặm, hằng tuần lên hồ Tây tập hát, phiêu diêu trong thứ "thổ sản tinh thần" xứ Nghệ. Mê để đi đến tận cùng niềm đam mê với ví, dặm mà điểm khởi phát là một góc hồ Tây của Hà Nội.

Đam mê là một trạng thái rất tuyệt vời, gần như một thế mạnh khi người ta trẻ!

Những cô gái, chàng trai hát từ sân đình hôm nào, một đêm sân khấu sáng đèn, họ biểu diễn trước hàng nghìn khán giả để giới thiệu về một không gian diễn xướng đặc thù của ví, dặm. Hơn bao nhiêu điều cần nói, họ cần hát bằng tấm lòng của hậu thế đối đãi với ân tình của người xưa. Thấu tình đạt ý là một phẩm cách của dân ca ví, dặm xứ Nghệ.

Viết đến đây, tôi nghĩ đến lời của cố nhạc sĩ An Thuyên trả lời phỏng vấn trên một tạp chí: "Các thế hệ đều để lại hồi môn cho con cháu là các giá trị, các di sản văn hóa. Thế nhưng, hôm nay, tôi chưa thấy một chiến lược nào của người đương đại, người đang sống xây dựng thành tựu văn hóa, xây dựng di sản để lại cho con cháu mai sau. Của hồi môn văn hóa phi vật thể thời đại này cho mai sau là cái gì? Chúng ta, những người hôm nay phải trả lời bằng được cho con cháu!".

Bỗng nhớ quê. Quê hương nào cũng có di sản dân ca tựa một dòng sông, cũng có nguồn mạch riêng, cũng cần chăm sóc để không đục, cũng cần chảy về một nơi cuối nguồn. Sông có trong veo hay không là ở cách ứng xử của những người đã phải lòng nó.

Sông có chảy mãi đến đời sau hay không, sông ơi?

>Những đứa trẻ của di sản

>Có một Đông Nam Á không chờ các lão làng

>Lịch sử còn trong những tấm ảnh

>Văn hóa làng rau cảm hóa người Pháp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Qua đường "ví dặm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO