Phông văn hóa của nghiên cứu sinh

ĐỖ KHẢI LY| 14/12/2017 08:00

Họ sẽ là thạc sĩ, tiến sĩ, sẽ làm việc như những trí thức nhưng chưa sẵn sàng hội ở môi trường đa văn hóa.

Phông văn hóa của nghiên cứu sinh

Sáng thứ sáu. Một nhóm nghiên cứu sinh đề nghị giáo sư cho nghỉ, đổi giờ học sang ngày khác. Và kể từ nay, tất cả giờ học ngày thứ sáu đều phải chuyển sang ngày khác trong tuần vì họ có những giờ cầu nguyện quan trọng trong ngày thứ sáu.

Giáo sư nhìn tất cả và hỏi: "Ở đây có hai người thuộc tôn giáo khác, thế các bạn đã hỏi ý kiến hai người đó chưa?". Nhóm nghiên cứu sinh trả lời là chưa.

Giáo sư nói: "Các bạn phải hỏi ý kiến bạn học của mình trước, sau đó mới bàn bạc với tôi. Trước khi học lên cao, cần phải học cách cư xử. Các bạn phải tập thói quen không được làm đảo lộn cuộc sống của người khác chỉ vì chuyện tôn giáo của mình, nhất là khi chưa có sự đồng ý của họ. Đừng bao giờ đặt mình hoặc thế giới tinh thần của mình cao hơn phần còn lại của trái đất".

Link bài viết

Nhưng những người sắp học lên cao vẫn không tỉnh ngộ. Họ nói không cần hỏi ý kiến ai cả, đương nhiên cả thế giới biết họ cần phải cầu nguyện vào ngày thứ sáu.

Đây là câu chuyện về cách xử sự của sinh viên quốc tế trong những va chạm văn hóa, và điều đó xảy ra hằng ngày. Những va chạm, khó khăn trong hội nhập của du học sinh, nghiên cứu sinh dường như là bất tận và cũng là nỗi lo của phụ huynh khi chuẩn bị cho con em du học.

Một nữ nghiên cứu sinh được chỉ định thuyết trình trước lớp học toàn nam giới. Trong lúc cô gái trình bày, tám trong số mười hai nam nghiên cứu sinh dùng điện thoại chụp ảnh, quay clip và bình phẩm với thái độ khiếm nhã. Nghiến răng chịu đựng để bài thuyết trình được trọn vẹn và chịu tổn thương vì sự việc này, cô gái quyết định dừng lại, lớn tiếng yêu cầu giáo sư chấn chỉnh thái độ của họ.

Giáo sư vốn học tập, nghiên cứu lâu năm ở môi trường giáo dục dân chủ như New Zealand nên ủng hộ và gọi ngay giáo vụ trường đến lập biên bản, xử phạt tại chỗ tám nam nghiên cứu sinh tội vi phạm kỷ luật và không tôn trọng phụ nữ.

Vấn đề là những nghiên cứu sinh đó đang học thạc sĩ và họ không nhận ra hành động khiếm nhã của mình, cũng như không biết việc đó là thiếu tôn trọng phụ nữ. Bởi vì văn hóa của đất nước họ coi những chuyện đó là bình thường. Một phụ nữ trẻ dám chống lại họ mới là vấn đề đáng quan tâm. Họ sẽ là thạc sĩ, tiến sĩ, sẽ làm việc như những trí thức nhưng chưa sẵn sàng hội nhập và sẽ phải đón nhận một vài thất bại nếu làm việc ở môi trường đa văn hóa.

Ra ngoài thì phải chấp nhận những va chạm kiểu đó, và phải chuẩn bị sẵn kỹ năng, đặc biệt là có một phông văn hóa đủ rộng để xử lý những va chạm nhằm xây dựng quan hệ tốt đẹp trong quãng đời sinh viên khi học tập trong môi trường đa văn hóa, sắc tộc và tôn giáo. Không chỉ những thanh niên trẻ người non dạ mới va vấp, ngay cả các nghiên cứu sinh ở bậc học thạc sĩ, tiến sĩ cũng vẫn phải đối mặt với những vấn đề rắc rối mỗi ngày.

Qua cách xử sự của những nghiên cứu sinh nói trên có thể thấy họ chưa sẵn sàng hội nhập nền giáo dục họ thụ hưởng. Khi là đám đông, họ có thể thắng nhóm còn lại, nhưng nếu là những sinh viên đơn lẻ, họ sẽ sống trong dằn vặt, khó chịu vì những trái ngược với bản ngã và giáo dục của bản thân.

Người Việt cũng vậy, sinh viên Việt còn bị kỳ thị nhiều hơn sinh viên những nước khác bởi dáng vóc bé nhỏ, giao tiếp không cởi mở, không có nhiều kiến thức về văn hóa, tập quán của những nước khác nên rất dễ bị va chạm. Một sinh viên Việt từng bị tẩy chay trên mạng xã hội vì đã ăn thịt heo trước mắt các sinh viên Hồi giáo, bởi người Hồi giáo coi heo là giống vật bẩn thỉu, không nên chạm đến.

Học tập tốt là đích đến của tất cả sinh viên, nhưng đó chưa phải là tất cả. Dù có đứng hạng nhất, hạng nhì nhưng trong các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, trong giao tiếp vẫn có thể không thành công và gặp áp lực khi các mối quan hệ thất bại, làm cuộc đời du học sinh trở nên nặng nề và nhiều người đã muốn về nước trong tổn thương tinh thần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phông văn hóa của nghiên cứu sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO