Phiêu diêu cùng bolero

ĐOÀN LÊ| 23/06/2018 03:18

Bolero là dòng nhạc du nhập từ miền Nam, qua thời gian đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt, dù xã hội nhiều thay đổi.

Phiêu diêu cùng bolero

Một lần trong góc phố Hội An nơi chúng tôi ngồi nghỉ chân bỗng nghe tiếng đàn, tiếng hát vẳng tới: Sợ phải lên, sợ phải lên trên trời. Lên trời hai đứa hai nơi...

Bầu trời Hội An hôm ấy đầy sao và ánh đèn lồng vô cùng lãng mạn. Lần theo những âm thanh gợi nhớ ấy, trên một sân khấu nhỏ xíu nơi góc phố cổ, nhóm doanh nhân đến từ TP.HCM đang biểu diễn những bài ca của dòng nhạc bolero, những bài ca luôn gợi nhớ ký ức mãnh liệt của những người sống trong thập niên 1960 nửa thập niên 1970, và hiện nay bolero lại bùng lên trong sự ưa thích của rất nhiều người, mà bất cứ sự chê bai nào cũng gây nên sự khó chịu trong lòng người hâm mộ.

Vì thế chúng tôi theo đoàn doanh nhân này ra Cù Lao Chàm, và dường như không có đêm hè nào đặc biệt hơn đêm ấy khi chúng tôi ngồi trên những chiếc thuyền thúng úp ngược trên bãi cát cù lao nghe các doanh nhân hát mộc những Con đường xưa em đi, Sương trắng miền quê ngoại. Xung quanh họ là ngư dân ngồi im lìm như biển ngày lặng!

Nhà tôi gần một ngôi chùa nằm xen kẽ trong xóm lao động bình dân giữa trung tâm Đà Nẵng. Mỗi chiều những người đàn ông trở về thường đem chút rượu gạo ra làm vài ly, rồi cầm cây đờn guitar cũ mèm lên, chìm sâu vào giai điệu bolero như giữ nhịp cho cuộc đời hiện tại của chính họ. Những người đang buồn vì tình yêu xa cách, những người thất thế trong cuộc đời vì đi sai một bước chân như đều rủ nhau tìm về bolero, một thời người ta gọi là "nhạc vàng", tìm kiếm giải tỏa nỗi sầu, nỗi nhớ...

Giờ đây, mỗi lần nhìn thấy một người đàn ông ngồi trước dàn máy Akai hay nghe tiếng đàn guitar bập bùng, là ký ức từ thập niên 1970 ùa về, phủ tràn ký ức. Tôi nhớ tuổi thơ tôi là những chuyến xe đò giữa Đà Nẵng - Duy Xuyên, chặng đường lắc lư mệt mỏi trên các ổ gà, không khí nóng nực mùa hè trộn mùi xăng, mùi cá và mùi mồ hôi thợ thuyền.

Những chuyến xe đò liên tỉnh không xe nào không có vài băng cassette bolero. Giữa cơn mưa dông chiều trút xuống miền Trung và màu hoa phượng rực đỏ, nghe Thanh Tuyền ca Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương đến giờ vẫn chưa quên nổi!

Bolero là dòng nhạc du nhập từ miền Nam, qua thời gian đã chứng tỏ một sức sống mãnh liệt, dù xã hội nhiều thay đổi. Vào một ngày đầu xuân 2018, đứng ở thềm một trung tâm thương mại lớn, lòng tôi rung động khi nhìn thấy một chàng trai trẻ hát trước một quán cà phê sang trọng bản bolero du nhập vào miền Nam vào khoảng thập niên 1950, lúc đó phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng nhạc điệu phương Tây thay cho nhạc điệu phương Đông truyền thống.

Thập niên 1960, nửa thập niên 1970 là những năm đỉnh cao của giai điệu này với những ca khúc tiêu biểu: Những đồi hoa sim, Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố, Thành phố buồn, Áo em chưa mặc một lần, Sương trắng miền quê ngoại, Đêm buồn tỉnh lẻ, Lan và Điệp...

Nhà thơ Đỗ Trung Quân viết: "Bolero mặc nhiên là một dòng chảy luôn song hành cùng đời sống. Thế hệ nào cũng có những nỗi băn khoăn thân phận, gia cảnh, môi trường sống, học hành... Dòng chảy ấy đôi khi là mạch ngầm, đôi khi phun trào thành suối lớn. Nó tồn tại bởi vì đề tài của nó không xa lạ với cuộc đời và những con người đang trôi qua trong dòng đời ấy".

Hiện tại bolero vẫn được nhiều tầng lớp xã hội yêu thích, nên một số nhạc sĩ trẻ vẫn tiếp tục đi theo con đường sáng tác ca khúc mang âm hưởng bolero. Ở phía Nam, Sài Gòn vốn là cái nôi của bolero, nay vẫn có những câu lạc bộ bolero, những phòng trà chuyên bolero, những nhóm bạn bè yêu thích bolero có cả văn nghệ sĩ, trí thức, mỗi khi tụ tập, lại hát bolero cho nhau nghe, chỉ với một cây guitar thùng.

Có những cuộc thi hát bolero được tổ chức bài bản, và bolero vẫn xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp. Tháng 11/2014, gần 7.000 người đăng ký dự thi hát bolero trong chương trình truyền hình thực tế "Solo cùng bolero" của HTV đã khiến ban tổ chức bất ngờ. Chương trình Solo cùng Bolero 2017 kết thúc vòng tuyển sinh tại khu vực TP.HCM với số lượng thí sinh bùng nổ là 15.000 người, nâng tổng số thí sinh tại 4 khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM lên con số 25.000.

Ở các vùng nông thôn từ miền Trung cho đến các tỉnh miền tây Nam bộ, bolero ngày ngày vẫn cất lên ở những khu xóm lao động, những đám cưới. tiệc tùng, những xe bán kẹo kéo chỉ với chiếc loa thùng, amply và một "ca sĩ” hát rong phục vụ các quán nhậu. Đêm Nguyên tiêu vừa qua ở Hội An, ban tổ chức mời Câu lạc bộ Bolero Sài Gòn ra biểu diễn trên đường phố để làm phong phú sản phẩm du lịch.

Năm 2010, đêm diễn của ca sĩ Tuấn Vũ ở Nhà hát Lớn Hà Nội bán vé 1,2 triệu đồng, tưởng không ăn khách ở thị trường này, cuối cùng khán phòng chật kín không chỉ một đêm mà kéo dài đến 7 đêm sau đó. Có nhiều cơ quan, đơn vị còn đặt vé tập thể, chứng tỏ công chức,  quan chức cũng yêu thích dòng nhạc này. Từ sau đêm diễn này, các ca sĩ của một thời như Chế Linh, Giao Linh, Hương Lan đều đã trở lại biểu diễn ở Hà Nội.

Nhạc bolero bắt đầu tràn ngập các vỉa hè Hà Nội. Người Hà Nội, sau bao nhiêu năm, bỗng như khám phá trở lại thứ âm nhạc bình dân mà chạm đến trái tim con người của một thời. Từ Hà Nội, bolero đã lan truyền sức ảnh hưởng đi khắp miền Bắc. Trên những chuyến xe đò lắc lư từ Mỹ Đình ngược Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, xuôi Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, tôi như bị bội thực vì bolero. 

Một lần tôi gặp một đoàn biểu diễn tạp kỹ lang thang các hội chợ. Họ là những người có khiếu âm nhạc nhưng đã hết thời hoặc có máu nghệ sĩ. Đêm đêm họ hát về ký ức của chính họ, những câu chuyện tình buồn, những mối tình tan vỡ, những lo âu cho tháng ngày vô định phía trước.

Cuộc sống của ca sĩ trong đoàn tạp kỷ với ban đêm là ánh đèn màu rực rỡ của sân khấu, nơi họ sống với cảm giác phù hoa, ban ngày là cuộc sống thực trần trụi phải đối mặt với bao lo toan, sự bất ổn của đời sống phiêu lãng qua những vùng đất nghèo khó.

Cuộc sống đó chính là mảnh đất màu mỡ dung dưỡng bolero. Những bản nhạc nuôi sống họ, cả tâm hồn lẫn đời sống, nên họ say lắm, bảo hát là hát liền, hát mấy bản không dứt. Đến giờ xa rồi, mà không sao quên những người phụ nữ nhìn rất giống đàn ông, và những người đàn ông thì lại giống phụ nữ ở đoàn tạp kỹ lang thang ấy!

Rồi trong một quán cà phê sang trọng, ngỡ những chàng trai sành điệu ngồi đó chỉ thích K-pop, không ngờ một cậu nói với tôi khi được hỏi: "Bolero á? Em thích nhạc bolero còn hơn thích một người con gái đó!". Chúng tôi cùng cười, ừ thì một cách nói cường điệu để chứng tỏ tình yêu âm nhạc của riêng cậu này, đâu có sao.

Nhưng tôi chia sẻ được với cậu ấy, chúng tôi cùng yêu bolero, một dòng nhạc hẩm hiu trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, nhưng sống mãnh liệt trong đời sống bất chấp những khó khăn, khổ ải trong nhiều giai đoạn khác nhau, bởi vì xuất thân, cảm hứng để một bản bolero được sáng tác, rồi đi vào đời sống lâu dài, nó rất giống tâm tư, tình cảm của người Việt.

Đó là lý do bolero có sức sống mãnh liệt như ta thấy hôm nay...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phiêu diêu cùng bolero
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO