Nỗi buồn "sao y bản chính"

BÍCH HỒNG| 04/06/2016 00:04

Cứ tưởng tư duy sao chép chỉ diễn ra ở vỉa hè, nơi người dân nghèo kiếm miếng ăn qua ngày, chia nhau ít khách lẻ, nhưng không phải vậy, nó cũng diễn ra ở khắp các "mặt trận" đời sống.

Nỗi buồn

Hôm rồi, dạo bước trên phố cổ, tôi rất ngạc nhiên khi thấy quầy bán nước giải khát thảo dược giản dị của một chàng trai trẻ. Người chờ lấy nước, người tranh thủ chụp ảnh, bởi không gian quầy chỉ là một mét vuông chen chân cùng cửa hàng quần áo nhưng trang trí đẹp mắt, ai cũng thích dừng chân ngắm nghía.  

Đọc E-paper

Hai tuần sau lại có dịp đi ngang qua đấy, lại ngạc nhiên vì cách chục mét đường đã mọc lên hai hàng nước thảo dược giải khát tương tự, hai cô bán hàng ngồi chễm chệ chờ khách. Chỉ vì thiếu chút tinh tế trong trưng bày nên hàng các cô ế, không cạnh tranh nổi với hàng của chàng trai kia. Tôi đoán một tháng nữa chắc nơi này sẽ mọc lên thêm chục hàng nước thảo dược nữa. "Dân mình thế đấy, chỉ giỏi "sao y bản chính" rồi kéo nhau cùng chìm!", bạn tôi lẩm bẩm bình luận.

Thật ra bạn tôi nói cũng chẳng oan. Hãy nhớ lại cơn lốc chè khúc bạch từ Hà Nội lan ra các thành phố phía Nam chỉ trong vòng một mùa Hè. Thấy bán được, ai cũng học nấu, rồi vội vàng mở quán. Kết quả là chè khúc bạch "nhái" nhanh chóng giết chết chè khúc bạch chính hiệu, và cả nghìn quán chè khúc bạch lần lượt biến mất. Đến giờ dường như chả còn ai nhớ đến món chè này.

Cứ tưởng tư duy sao chép chỉ diễn ra ở vỉa hè, nơi người dân nghèo kiếm miếng ăn qua ngày, chia nhau ít khách lẻ, nhưng không phải vậy, nó cũng diễn ra ở khắp các "mặt trận" đời sống.

Ai làm trong ngành du lịch hẳn hiểu rõ bây giờ những người du lịch ngán đặt tour vì cái sự na ná trong ăn uống, hưởng thụ điểm đến, bởi "cơm tour" Thái Lan cũng chẳng khác "cơm tour" Việt hay "cơm tour" Campuchia; rồi món ăn trong tiệc buffet cũng na ná nhau.

Cách người ta kinh doanh một điểm đến kiểu "lừa du khách" cũng đơn giản. Chẳng hạn, muốn bán cao rắn, người ta nuôi chừng trăm con rắn, thuê vài nghệ nhân chăm sóc và biểu diễn, thế là có một trại rắn, chủ yếu là để nhà tour đưa khách vào mua hàng hóa, hoặc sử dụng các dịch vụ ẩm thực, biểu diễn.

Nhưng đi sâu vào các dịch vụ mới biết, cách tổ chức khai thác nghề thủ công hoặc văn hóa địa phương rất hời hợt, không ai dám đảm bảo chất lượng hàng hóa, bởi vì mua hàng khi đi du lịch, cái giá khách phải trả đã cõng thêm chi phí hoa hồng rất cao, từ 20 - 30%.

Khắp Đông Nam Á đã bày biện như thế, bây giờ người Việt cũng cứ thế sao chép, đưa phiên bản mua sắm "điểm đến" của Thái Lan về áp dụng khắp Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An. Chỗ nào cũng làng nghề truyền thống bán hàng, nhưng làm sao để giữ tính văn hóa địa phương lại không được chú ý.

Cù Lao Chàm (Hội An) là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới rất hấp dẫn du khách về sinh thái và văn hóa biển, thế nhưng vừa cập cầu cảng, một ngôi chợ với hàng ngàn mẫu vật san hô được bày bán là không phù hợp. Người ta không nhìn thấy những giọt mồ hôi, những bàn tay khéo léo của ngư dân làng chài. Chuyện này đã một thời gian bị phản đối ở đảo Bali (Indonesia) và nay ngư dân ở đảo này không còn khai thác san hô về làm hàng lưu niệm nữa.

Hôm trước đến tham quan một công viên đất nung, cũng là một điểm đến về nghề gốm ở một làng gốm nổi tiếng, thú thực là tôi không thích cách "sao y bản chính" này, những sản phẩm đất nung đi lên từ con tò he dân gian, được làm ra từ những bàn gốm các bà cần mẫn xoay tròn mỗi ngày đã lặng lẽ lùi vào hậu trường, thay bằng một công viên đất nung hoành tráng với những mô hình kỳ quan thế giới. Chỉ sợ một ngày kia làng gốm thật sẽ èo uột vì cái phô diễn sẽ lấn át cái văn hóa thật của vùng đất đó.

Thật sự tôi rất sợ những "sao y bản chính" để chào khách là vì thế!

>Thông tin "mở lối"... doanh nghiệp

>Văn hóa doanh nhân: Trông người lại nghĩ đến ta

>Doanh nghiệp Việt không thích "Buôn có bạn, bán có phường"?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi buồn "sao y bản chính"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO