Niềm tin không thể đổ vỡ

HỒNG BÍCH| 04/10/2013 01:33

Gõ cụm từ "mua hàng qua mạng", bạn sẽ nhận được hàng trăm ngàn kết quả khuyến cáo về sự lừa đảo, nỗi bực mình.

Niềm tin không thể đổ vỡ

Gõ cụm từ "mua hàng qua mạng", bạn sẽ nhận được hàng trăm ngàn kết quả khuyến cáo về sự lừa đảo, nỗi bực mình.

Đọc E-paper

Thế nên các doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển cũng khá chật vật chứ chưa phải là xu thế tất yếu. Người ta chưa tin, hay đã hình thành thói quen không tin vào bất cứ ai? Vậy mà một lần giao dịch qua mạng đã để lại nơi tôi ấn tượng khó quên.

Sau khi kiểm tra giá cả thị trường, tôi gọi điện cho một cửa hàng ở TP.HCM đặt mua một ống kính EF-S 18-135 sử dụng cho máy ảnh Canon, có giá 7 triệu đồng. Chủ cửa hàng chỉ hỏi số CMND và địa chỉ giao hàng.

Hai mươi tiếng đồng hồ sau, một người làm dịch vụ "chuyển phát nhanh" gõ cửa, hỏi tên và yêu cầu tôi ký nhận hàng, người ấy còn sơ suất không đòi xem CMND của tôi. Cuộc kiểm tra nhanh chất lượng món hàng xác nhận nó mới tinh, đúng chuẩn như hai bên thỏa thuận.

Tôi ra ngay ngân hàng gần nhà chuyển trả 7 triệu đồng vào tài khoản của bên bán. Năm phút sau, dòng tin nhắn ngắn ngủi hồi đáp "Cám ơn!". Giao dịch chấm dứt.

Suốt hai năm qua tôi chưa bao giờ quên và không ngừng thắc mắc, tại sao người bán hàng ở tận TP.HCM có thể tin tưởng vào một cuộc điện thoại di động đặt hàng, với vài con số CMND và địa điểm giao hàng là tại Đà Nẵng, rất khó kiểm tra. Đã thế còn nhanh chóng gửi hàng qua bưu điện, không đòi đặt cọc.

Người mua nhận hàng rồi mới chuyển tiền trả qua ngân hàng, một món tiền khá lớn! Cái cách thức mua bán lần đó làm tôi quý chiếc ống kính ấy. Nó gợi nhớ một kỷ niệm đẹp về lòng tin con người dành cho nhau. Đâu đó có một người tin tưởng ở mình, và mình cố gắng đền đáp lại lòng tin ấy.

Chính vì liên quan đến "lòng tin", câu chuyện về Huyền Chíp và hai cuốn sách (hình thức nhật ký) mang tên "Xách balô lên và đi" (tập 1: "Châu Á là nhà. Đừng khóc"; tập 2: "Không chết ở châu Phi") đang gây sóng gió trong cộng đồng mạng.

Một làn sóng nghi ngờ độ chân thực của hành trình "phượt" của cô gái mới tròn đôi mươi qua 25 quốc gia, với món tiền khởi đầu là 700 đô la. Một số người bảo vệ tác giả Huyền Chíp, nhưng cũng rất đông những người trẻ khác đến tham gia cuộc gặp mặt ký tặng sách là để đặt câu hỏi trực tiếp và muốn Huyền Chíp chứng minh sự thật về hành trình đi khắp thế giới và viết sách của cô.

Sự thật ở đâu chỉ có người trong cuộc và một số ít người liên quan như những biên tập viên của nhà xuất bản và công ty kinh doanh bộ sách này biết. Theo dõi những cuộc tranh luận triền miên ấy, một câu hỏi bỗng bật ra: Tại sao một số độc giả lại phản đối tác giả cuốn sách quyết liệt đến thế?

Sự quyết liệt ấy thể hiện ở chuyện họ tỉ mỉ nghiên cứu các quy định nhập cảnh hai nước Palestine và Israel trong thời gian tác giả viết rằng mình có mặt ở khu vực này; hoặc đi phỏng vấn các bác sĩ ngoại khoa để biết xương ống chân bị gãy sẽ phải mất bao nhiêu ngày mới lành, nhằm làm rõ một sự thật trong cuốn sách. Sự kỳ công ấy nói lên điều gì?

Bây giờ có rất nhiều dư luận. Có một số người và cả Huyền Chíp cũng cho rằng những người phản biện nhiễm thói "nghi ngờ cái gì cũng ném đá trên mạng" hoặc ganh tỵ với người "thành công" hơn mình.

Nhưng dõi theo toàn bộ cuộc tranh luận ấy, bỗng nhận ra một điều, có những người trẻ không chịu được sự dối trá, và họ không chịu để cho cuộc sống, để cho xã hội tràn ngập sự dối trá, họ quyết phải vạch trần nó.

Chưa biết họ đúng hay nhầm lẫn trong trường hợp cụ thể với cuốn "Xách balô lên và đi", nhưng họ có quyết tâm chống lại sự dối trá bằng tri thức, bằng kinh nghiệm sống thì nên cổ vũ họ, giúp họ giữ được bản lĩnh của người yêu sự thật.

Vấn đề họ đặt ra là muốn đọc những trang sách chân thực, với những trải nghiệm quý giá giúp ích cho những người trẻ thêm can đảm chiến đấu với khó khăn, chứ không muốn bị biến thành trò chơi của những người kinh doanh sách làm trò ảo thuật.

Một khi đã thiếu niềm tin thì độc giả liệu có thể nào chia sẻ những trải nghiệm mà tác giả muốn truyền đạt. Niềm tin là một giá trị tinh thần vô cùng lớn bất cứ ở đâu, dù đi kèm một giao dịch hay một cuộc kinh doanh mạo hiểm.

Giá như Huyền Chíp hiểu nỗi băn khoăn của độc giả, thế giới đã thật sự rất phẳng về thông tin, không thể thêm bớt vào sự thật, cô nên dành thời gian suy nghĩ và xóa bỏ mọi nghi ngờ đó. Đem tặng cho xã hội niềm tin, đó là nghĩa vụ những người tử tế và còn trẻ nên cố gắng thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Niềm tin không thể đổ vỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO