Những đứa trẻ của di sản

ĐOÀN ĐẠI TRÍ| 24/05/2015 03:20

Để vùng đất mãi là một kỳ quan trong lòng du khách, việc trước tiên là tạo ra cuộc sống ấm no cho những đứa trẻ, chứ không phải những dự án cao ngút trời, để rồi nhìn xuống dưới là những mái tóc vàng hoe vì nắng gió, vì bươn chải mưu sinh...

Những đứa trẻ của di sản

Đoàn làm chương trình Good Morning America của Đài Truyền hình ABC (Hoa Kỳ) đem theo một tấn dụng cụ, sử dụng 7 thiết bị bay điều khiển từ xa để phát sóng trực tiếp những hình ảnh "đẹp đến nín thở" bên trong hang Sơn Đoòng, khiến khán giả Mỹ và thế giới choáng ngợp bởi sự kỳ vĩ của cảnh quan thiên nhiên Việt Nam.

Đọc E-paper

Một lần nữa, trước cơ hội này, các hang động lớn, nhỏ như Sơn Đoòng, Phong Nha, Tiên Sơn, Hang Én... sẽ được Quảng Bình tập trung khai thác du lịch trong thời gian tới. Những dự án du lịch đã được thiết lập, cơ sở hạ tầng đang hối hả hoàn thiện... để đón cơ hội lớn.

Nhưng vào lúc này, dọc chiều dài chừng 2 cây số trước khi tới con đường vào Vũng Chùa, có rất nhiều đứa trẻ chừng mười tuổi, đứng dưới cái nắng gay gắt, vẫy vẫy những bó hoa và nhang chào bán cho du khách. Mỗi lần thấy chiếc xe du lịch từ xa, cả chục đứa trẻ lại ào ra từ những căn nhà nhỏ ven đường với lời mời chào không ngớt.

Một cảm giác thoáng buồn trong tôi khi thấy những đứa trẻ nhễ nhại mồ hôi cả ngày trời dưới nắng chỉ để bán mấy bông hoa, vài thẻ nhang, kiếm những đồng bạc lẻ từ du khách. Chắc chắn, kéo theo đó là dòng người dân địa phương mưu sinh từ dịch vụ, hàng hóa bán cho du khách. Sẽ có nhiều đứa trẻ được "quăng" ra đường để kiếm tiền cho gia đình.

Nhưng không chỉ riêng ở vùng đất Quảng Bình này, nhiều vùng đất nổi tiếng về du lịch khác từng qua, tôi cũng đã bắt gặp những hình ảnh tương tự. Hình ảnh về những người bản địa nghèo khổ, nhỏ bé, lam lũ kiếm từng đồng bạc lẻ, như bên lề của số phận, bên lề của những di sản mang tầm thế giới với hàng triệu lượt du khách đến và đi.

Chắc chắn, nguồn thu từ dịch vụ du lịch không hề nhỏ, nhưng những cư dân ở vùng đất đó, những chủ nhân đích thực ngàn đời trong vùng di sản, vùng du lịch lại chưa được chia sẻ lợi ích từ "của để dành" của cha ông họ. Họ vẫn lam lũ bên những dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng sang trọng.

Đâu đó còn dấy lên những tranh cãi về những khu resort "cát cứ" cấm dân địa phương tắm biển hoặc đi lại. Những điều này không chỉ mang đến sự bất an cho chính du khách mà còn là hồi chuông báo động về sự thiếu bền vững của các hoạt động du lịch, nếu chúng không gắn liền và thiết thực với đời sống của phần lớn cư dân địa phương đó.

Cũng có một số doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng muốn xây dựng những hoạt động có quy mô hơn, tức là biến việc đưa ra những hoạt động có trách nhiệm cho du khách tại cộng đồng ở địa phương thành những sản phẩm du lịch như: dạy tiếng Anh cho người bản địa, hỗ trợ về môi trường, đào tạo nghề cho người dân địa phương... Tuy nhiên, những hoạt động này chưa nhiều, chưa tạo thành hiệu ứng tích cực cho đời sống người dân địa phương.

Người ta nói nhiều đến khái niệm "du lịch có trách nhiệm", áp dụng cho các di sản văn hóa sẽ không chỉ giúp nâng cao mức sống của người dân địa phương xung quanh khu di sản, mà còn duy trì và quảng bá văn hóa truyền thống.

Chắc chắn, không một hình ảnh kỳ quan hay di tích, thắng cảnh nào đẹp bằng chính những đứa trẻ của vùng đất ấy. Những đứa trẻ không chỉ đại diện cho tương lai, mà còn là văn hóa, là nét đẹp ở địa phương đó.

Vì thế, để vùng đất mãi mãi là một kỳ quan trong lòng du khách, việc trước tiên chính là tạo ra cuộc sống ấm no cho những đứa trẻ, chứ không phải những dự án cao ngút trời, để rồi nhìn xuống dưới là những mái tóc vàng hoe vì nắng gió, vì bươn chải mưu sinh...

>Với con trai, trước biển
>Để người trẻ mê chèo
>Đưa trẻ về thiên nhiên
>"Vá lỗi" tâm hồn thị dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những đứa trẻ của di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO