Những chuyến xe buýt qua thành phố

HỒNG BÍCH| 01/01/2017 06:54

Không thể đi bộ, đó chính là điều cản trở người Việt sử dụng xe buýt.

Những chuyến xe buýt qua thành phố

Mỗi ngày, dọc đường đi tôi vẫn nhìn chiếc xe buýt lao cái thân kềnh càng của nó vượt qua mình đi về bến đỗ kế tiếp. Nó như một khối xa lạ, dường như không thuộc về đời sống của mình, mà là một phần của đô thị nhếch nhác.

Đọc E-paper

Trong những cảm xúc thoáng qua, xe buýt đem theo những người nhập cư đi về ngoại ô sau một ngày bươn chải kiếm sống ở một góc nào đó của thành phố. Xe buýt là quãng thời gian sinh viên ở tỉnh về nhìn cuộc sống thành phố, nhìn cửa hiệu sang trọng qua ô cửa kính mờ bụi để tự vẽ những vạch ngang dọc về tương lai. Xe buýt chứa những gương mặt âu lo, những bộ áo quần người ta sử dụng để cọ xát ở nơi công cộng không mấy sạch sẽ.

Sau này ở một vài tuyến cố định dẫn về các điểm tham quan nổi tiếng, hoặc tuyến ra sân bay, có những nhóm tây ba lô góp mặt cũng không làm cho diện mạo và không khí xe buýt thêm phần sáng ra, bởi vì những chiếc ba lô to kềnh màu tối, những bộ quần áo lôi thôi cốt chỉ che thân những người đi khám phá đời sống châu Á. Trong nhiều năm xe buýt cứ vậy, hối hả đi đến, hối hả trong trống vắng hoặc đầy ắp người giữa dòng xe máy, ô tô.

Có oan cho xe buýt không khi mọi cư dân gốc thành phố đều nhìn nó như một khối bất an giữa dòng chảy đô thị, cả bên trong lẫn bên ngoài?

Mấy hôm nay về Đà Nẵng, thấy một lễ khai trương tưng bừng một lần mở 5 tuyến xe buýt chạy dọc ngang các quận. Xe mới tinh, lại còn mời bà con đi miễn phí trong một tháng đầu tiên. Từ tháng thứ hai, giá vé xe nội thành chỉ 5 nghìn đồng, vậy mà những chiếc xe đẹp chạy trên phố thường trống rỗng.

>>Người Việt với kinh tế vỉa hè và văn minh xe máy

Nhớ lại bao hội thảo mang tinh thần làm thế nào để người dân thay đổi thói quen lưu thông khi buôn bán xâm lấn vỉa hè. Trong thời điểm này, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đều đang bắt đầu những dự án quan trọng đầu tư cho giao thông công cộng bằng các loại hình xe buýt và quyết tâm gỡ các nút thắt giải phóng đường cho xe buýt chạy.

Và tôi nhớ lại những thói quen của tất cả chúng ta. Mỗi ngày, từ các khu dân cư đến quán cà phê, đi mua một tờ báo, bao thuốc lá, đi chợ... dù chỉ là khoảng cách 500 mét chúng ta vẫn dắt chiếc xe máy ra. Người dân đã mất thói quen đi bộ, dù mỗi buổi sáng người đi bộ tập thể dục đầy nghẹt công viên, nhưng đi bộ 500 - 700 mét đã không còn là thói quen nữa.

Người ta thà đi xe máy trên những con đường “nghẹt thở” chứ không đi xe buýt vì có thể phải chờ đợi 10 - 15 phút cho mỗi chuyến xe, và sau đó phải cuốc bộ thêm 500m hoặc cả cây số để về đến nhà. Không ai có thói quen đi bộ trong khu vực mua sắm 1 - 2km. Và bây giờ, buôn bán vỉa hè đang nhường bước cho mua sắm online, có lẽ sự “nhúc nhích” của mỗi người sẽ dần ít thêm sau 5 - 10 năm tới.

Và chúng ta đừng hỏi tại sao với bao nhiêu loại sữa đắt tiền mà thế hệ 9X vẫn thấp bé. Chúng ngồi ì sau xe máy của cha mẹ suốt tuổi ấu thơ, đến lúc bước vào trường trung học, chúng lại bị thị trường xe đạp điện vây bọc và cuối cùng là chiếc xe máy cho tuổi 18. Không còn thói quen đi bộ làm người ta ngại đi xe buýt bên cạnh bao khuyết điểm xe buýt chứa đựng.

Người Việt vốn thấp bé, ăn rất ít so với những người láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc nhưng lại phải chống béo phì. Và kỳ cục nhất là người người mua sắm ô tô, rồi khi cần sử dụng, người ta lại có thêm chiếc xe máy để đi năm, bảy trăm mét đến bãi giữ xe ô tô. Không thể đi bộ, đó chính là điều cản trở người Việt sử dụng xe buýt.

>>Vì sao người Việt thích ô tô xuất Mỹ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những chuyến xe buýt qua thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO