Nhớ cua đá, thương hải sâm

KHẢI LY| 04/10/2014 03:19

Chuyến đi vớt vát đến Cù lao Chàm khi trời đã chuyển sang Thu, nhưng nơi này vẫn xứng danh vùng biển nóng.

Nhớ cua đá, thương hải sâm

Chuyến đi vớt vát đến Cù lao Chàm khi trời đã chuyển sang Thu, nhưng nơi này vẫn xứng danh vùng biển nóng.

Đọc E-paper

Du khách kêu ca chút đỉnh, nhưng rồi tươi lại khi nghe nói chính cái tiết trời nóng nực quanh năm làm cho hòn đảo này cây cối trù phú, dưới biển có biết bao loài hải sản lạ. Đó là lý do ai nấy kiên nhẫn vượt biển, đội nắng đến đây, nơi không có những bãi cát trắng tinh thượng hạng như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc.

Cù lao chưa có điện, chưa có khách sạn. Người cù lao dễ thương, chân thật. Họ hồn nhiên hái lá rừng nấu thành món nước giải khát đãi dân thành thị quen dùng cà phê kem tươi Hàn Quốc làm khách thích thú. Nhìn lượng khách khoảng 500 - 1.000 người vào ngày cao điểm, tự nhiên cứ nghĩ liệu có lúc nào những ngọn núi không còn chiếc lá nào?

Câu hỏi không thừa bởi đến nay nơi nào tập trung khách nội địa, nơi ấy có nhiều vấn đề về môi trường. Đảo một vòng ở chợ Cù lao Chàm, thấy ra dáng chợ du lịch với đồ lưu niệm, vô số hải sản tươi được giới thiệu. Và chỉ vài năm, những mặt hàng cũ đã biến mất, thay vào đó là đặc sản mới.

Chợ cù lao bây giờ những đặc sản nổi tiếng một thời như cua đá, ốc vú nàng, vú sao đã biến mất, chỉ còn trưng bày tiêu bản trong phòng của Bảo tàng "Khu Bảo tồn tài nguyên biển Cù lao Chàm" ngay cạnh cầu cảng. UBND xã đã cấm bắt và bán cua đá trong vòng 5 năm để loài cua núi này hồi phục.

Khi chưa cấm, trẻ em nhốt cua đá trong lồng sắt như nhốt gà, ngồi bán ngay cổng chợ. Những tội đồ mới đã thay thế để chiều lòng cái sự khám phá vô độ của du khách. Hàng loạt hải sản lạ và hiếm như hải sâm, ghẹ, tôm hùm đem ra chờ khách.

Những câu chuyện loanh quanh thau đựng hải sản bán tươi đều luẩn quẩn khoe chuyện ăn ngon, ăn lạ, ăn phục vụ tâm thế thời "sinh lý yếu" của khách bàn tán râm ran cả chuyến đi. Hải sản tươi bán giá vài trăm ngàn đồng mỗi ký, nên ngư dân cứ hùng hục ngày đêm lao ra biển tìm kiếm những thứ kỳ lạ nhất về phục vụ cái sự "tạp ăn" của du khách.

Loanh quanh lắng nghe chuyện mua bán, nhìn ra biển bỗng thấy ngượng ngùng khi nhóm khách nước ngoài mải mê vùng vẫy dưới làn nước biển xanh. Thấy cái sự thích ăn của lạ quá đối chọi với cái thưởng thức thiên nhiên trong một chuyến du lịch.

Thấy buồn vì ngay trong ngôn ngữ du lịch, chúng ta cũng thích dùng trạng thái "tận hưởng", nó mạnh mẽ và bạo tàn hơn trạng thái "thưởng thức" mà một người văn minh cần thể hiện khi đi đó đây, không có ai suy nghĩ nên góp phần nhỏ để bảo vệ tính bền vững môi trường và văn hóa của mảnh đất mình đặt chân tới.

Cua đá cù lao đã gần như tuyệt diệt chỉ sau mấy năm hòn đảo này đón khách. Những con hải sâm nằm trong thau nước biển thở oxy kia rồi cũng sẽ vào bảo tàng như dĩ vãng oanh liệt của món ốc vú nàng, vú xao.

Trên bãi cát, trong cái nắng gay gắt ngột ngạt khó chịu giữa buổi trưa mùa Hè, người đàn bà ấy bưng một thùng hải sản bán dạo trên cát bỏng. Chị Sáu, người bãi Làng, quá nửa đời làm nông, nay cù lao hút khách du lịch, chị đổi nghề, theo thuyền vào các bãi tắm tìm khách bán chút đặc sản.

Chị nhìn đăm đăm như bị hút vào mặt nước xanh thẫm rong rêu, thì thầm kể về cái chết của những người đi bắt tôm hùm ngoài Hòn Dài. Họ chết thảm lắm, lúc lặn xuống còn khỏe mạnh, bắp thịt ngư dân nổi vồng, khi nổi lên, cả người đỏ ửng rồi rũ mềm ra là đi luôn, không ngoảnh lại nhìn vợ con được lấy một lần. Giá như các du khách đều được nghe câu chuyện ấy.

Rồi bỗng nhớ đến cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014 sắp hoàn tất, một mục tiêu của cuộc thi là công bố bản đồ ẩm thực đặc trưng Việt Nam, hỗ trợ cho du lịch ẩm thực phát triển.

Điều cảm thấy yên lòng trong hành trình cuộc thi, do Công ty Gốm sứ Minh Long I và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, là không hề có những thứ đặc sản kiểu hàng độc trên rừng dưới biển, mà chỉ trông cậy vào bàn tay vàng của các đầu bếp.

Cứ nghĩ giá như cuộc thi không chỉ giữ riêng cho mình cái tinh thần đẹp đó, mà nên tuyên truyền mạnh mẽ để người Việt mình thấu hiểu và có thái độ văn minh hơn trong khám phá ẩm thực.

Người Cù lao Chàm đang học làm du lịch xanh, không bán san hô phơi khô, không sử dụng bao nylon theo khuyến cáo của các tổ chức môi trường. Nhưng chừng đó chưa đủ. Khách đến Cù lao Chàm nên được tham dự tour tạo dựng tinh thần hành xử văn minh, để khách không tạo sức ép nhu cầu ăn lạ lên những ngư dân thật thà giữa biển khơi.

>Người ta chê người mình
>Những "ông chủ nghèo" của di sản
>
Vỉa hè Hà Nội, Sài Gòn
>Món ngon quá khứ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhớ cua đá, thương hải sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO