Ngư dân bám biển: Vẻ đẹp của sự "không sợ hãi"

HỒNG BÍCH| 18/06/2014 08:30

Dân đi biển có nhiều ca dao than thân trách phận lắm.

Ngư dân bám biển: Vẻ đẹp của sự

Dân đi biển có nhiều ca dao than thân trách phận lắm.

Đọc E-paper

Chị Huỳnh Thị Như Hoa gặp gỡ đại diện CLB Doanh nhân Sài Gòn

Đôi lúc con thuyền rẽ sóng ra khơi rồi, họ quay lại nhìn những người phụ nữ đứng im lặng trên bãi cát, rùng mình nghe ai hò văng vẳng: "Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm...". Có lẽ người trên bờ chỉ thấu cảnh khổ đó mỗi khi có cơn bão lướt qua Biển Đông, lấy đi ít trăm mạng người, để lại vài trăm gia đình côi cút.

Nhưng bây giờ "cơn bão" này lớn quá, nó là cuộc đấu tranh kỳ lạ, mà những người ngư dân cũng lãnh trách nhiệm ra biển giữ đất, giữ biển với hai bàn tay của người chỉ chuyên chèo thuyền, kéo lưới, không vũ khí. Bởi vậy khi nghe tin con tàu ĐNa 90152 của ngư dân Thanh Khê Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm, không chỉ có sự phẫn uất của người hậu phương, còn một nỗi xót xa lớn lao khi nhớ về những ngư dân thấp nhỏ, yếu ớt, rám nắng của miền Trung.

Vậy mà lần đầu tiên gặp chị Huỳnh Thị Như Hoa, chủ nhân của con tàu định mệnh ĐNa 90152 trên bến cảng lúc con tàu mới được trục vớt đưa từ Hoàng Sa về, tôi muốn nói một lời cảm ơn đối với người phụ nữ bé nhỏ này. Chị đi đi lại lại trên con tàu, nhìn ngắm, rờ từng mối hàn, kéo lại vài miếng lưới rách giăng mắc, nhìn cái lỗ thủng to tướng ở mạn tàu với một nỗi đau như người mẹ đón đứa con về từ chiến trường trở về.

Sao không đau, vì nó không chỉ là giá trị vật chất 2,5 tỷ đồng, mà còn là ngôi nhà chung của 10 gia đình ngư dân trông vào đó mà sống, cho con ăn học, xây dựng nhà cửa, tu sửa mồ mả tổ tiên. Nó cũng là chứng nhân và thành quả của một cặp vợ chồng ngư dân chăm chỉ và quyết đoán, dồn những đồng vốn chắt chiu từ những chuyến đi làm thuê mua dần từ con thuyền nhỏ rồi ăn nên làm ra đến hôm nay.

Đó là bởi ánh mắt đang từ dịu dàng bỗng trở nên cương nghị, những lời lẽ tuy bình tĩnh nhưng trong đó ẩn chứa rất nhiều nỗi lo âu. Trong tai họa mới thấy người phụ nữ này ẩn chứa rất nhiều tư chất đặc biệt, khi chị sát cánh bên chồng đón tiếp những tấm lòng ân tình từ khắp cả nước giúp đỡ ngư dân gặp hoạn nạn.

Bên con tàu thủng, chị quả quyết sẽ nhanh chóng tìm nguồn huy động vốn nhanh chóng đóng tàu ra khơi bám biển. Điều lạ lùng nhất là đội thuyền viên chứng nhân sự hung hãn trên biển đã luôn sát cánh bên vợ chồng người chủ tàu như trong một gia đình gặp hoạn nạn. Điều đó giúp cho người phụ nữ ấy yên tâm, dù thế nào họ cũng sẽ cùng nhau trở lại với Hoàng Sa.

Và người phụ nữ ấy ngày càng làm chúng tôi ngạc nhiên khi chị quyết định hiến tặng con tàu cho chính quyền huyện Hoàng Sa để làm vật chứng đấu tranh với Trung Quốc, đồng thời đưa con tàu vào trưng bày trong bảo tàng Hoàng Sa. Và chị cũng bắt đầu lập hồ sơ đưa vụ kiện tàu Trung Quốc đến Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Chị đi đòi công lý cho đội ngũ ngư dân miền Trung quyền bám biển, giữ biển mưu sinh. Hình như trước nay chưa có ngư dân nước ngoài nào dám kiện Trung Quốc dù đã mấy năm, họ bị những con tàu to lớn gấp bội lần rượt đuổi, dùng vũ lực ức hiếp, giam cầm, thậm chí bắt chuộc tiền.

Người đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á kiện Trung Quốc bắt phải bồi thường, phải chịu trách nhiệm công khai về những hành vi tàn ác lại là người phụ nữ bé nhỏ và rất khiêm tốn này. Không sợ hãi, đó là vẻ đẹp tỏa ra từ ngư dân này. May mắn thay chị không đơn độc trong tai họa. Cả nước chìa tay góp thêm những đồng vốn để gia đình chị nhanh chóng đóng tàu cá mới với công suất lớn. Cử chỉ nghĩa hiệp này tôn thêm giá trị văn hóa của người Việt, luôn đoàn kết, giúp đỡ và gắn bó với nhau trong hoạn nạn, khó khăn.

>VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN Ở BIỂN ĐÔNG
>Vu khống Việt Nam tại LHQ - "canh bạc mạo hiểm" ở Bắc Kinh
>Trung Quốc rơi "mặt nạ" tại Shangri-La

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngư dân bám biển: Vẻ đẹp của sự "không sợ hãi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO