Nghĩ trước mùa Xuân

HỒNG BÍCH| 09/02/2015 06:54

Chừng mười ngày nữa, Xuân Ất Mùi đã chính thức gõ cửa. Đó là thời khắc để chúng ta dừng lại ngẫm nghĩ, người nghĩ về mười năm, còn đất nước Việt Nam sẽ nghĩ về bốn mươi mùa Xuân,

Nghĩ trước mùa Xuân

Chỉ chừng mười ngày nữa, Xuân Ất Mùi đã chính thức gõ cửa. Nó đúng là thời khắc để chúng ta dừng lại ngẫm nghĩ, người nghĩ về mười năm, còn đất nước Việt Nam sẽ nghĩ về bốn mươi mùa Xuân, thậm chí cần phải nghĩ xa hơn nữa về quá khứ, để nhận trách nhiệm với hiện tại và tương lai.

Đọc E-paper

Mùa Xuân 40 năm trước, khi ấy tôi còn là một đứa bé. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức báo tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, người Hà Nội đã vội vã dắt xe đạp ra khỏi nhà mua pháo đốt.

Buổi chiều hôm ấy, bầu trời Hà Nội mù mịt khói pháo. Pháo từ làng Bình Đà cách trung tâm Hà Nội 25km được chở xe đạp đem ra bán rất nhiều, rất nhanh, và có lẽ đó là lần đầu tiên người miền Bắc tỏ ra nhanh nhạy với nhu cầu của thị trường sau bao nhiêu năm bao cấp.

Rồi một miền Nam kỳ lạ bắt đầu xuất hiện với dòng người nhuốm màu khói đạn chiến trường trở về nhà. Tháng 7 năm ấy, tôi theo một chuyến xe từ Hà Nội vào Đà Nẵng, được dịp quan sát hàng vạn người lính trở về nhà sau cuộc chiến.

Họ lặng lẽ trên xe, lặng lẽ đi bộ qua những chuyến phà ì ạch, những cung đường nham nhở thời chiến để lại và ra Bắc, về nhà với một niềm hy vọng về hạnh phúc phía trước.

Hai từ hòa bình mới quý giá và cảm động làm sao. Bởi khi ấy nó bao hàm sự bình yên, những cuộc trùng phùng và cả an ủi, xoa dịu những gì đã mất mát trong chiến tranh.

Và người ta bắt đầu quyết liệt nghĩ đến tương lai. Người Việt mong muốn bỏ lại tất cả ở phía sau để hướng về tương lai tốt đẹp.

Lứa lính tráng trên chiến trường Việt Nam năm ấy, dù đứng ở chiến tuyến, lý tưởng nào, người trẻ nhất cũng đã bắt đầu xong nghĩa vụ với cuộc đời, đã đến tuổi suy nghĩ về di sản hòa bình của riêng cá nhân mình, và của đất nước.

Một trong những di sản tuyệt vời của hòa bình là sinh ra một lớp doanh nhân làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng nói theo đa nghĩa. Những khó khăn, thiếu kinh nghiệm và gia sản duy nhất là sự đam mê, quyết liệt làm giàu.

Thương trường cũng rất giống chiến trường, có thắng có bại, nhưng đóng góp của doanh nhân vào sự phát triển của đất nước là sự đóng góp tuyệt vời, bởi trí và lực của họ đã giúp cho những quyết sách phát triển kinh tế thành hiện thực dù còn nhiều khiếm khuyết.

Trong dòng những người lính trở ra Bắc năm ấy, nhất định có những người đã trở thành doanh nhân, biến cái gan dạ từng trải trên chiến trường thành bản lĩnh thương trường.

Bốn mươi mùa Xuân đã trôi qua, chúng ta đã có nhiều thành tựu, cái tự thân xây dựng là căn bản, cái thừa hưởng thành tựu sự phát triển của thế giới cũng rất lớn, và bây giờ là lúc chúng ta đòi hỏi phải có sự vượt vũ môn không kém gì mùa Xuân 40 năm trước!

Cuộc chiến đấu mới này khó khăn không kém gì cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, bởi chúng ta có một mục tiêu phát triển duy nhất, nhưng con đường đi thì trăm ngàn ngả khác nhau và cần một sự lựa chọn đúng đắn.

Tình hình đất nước, những mối quan hệ quốc tế, quan hệ kinh tế đang cần sự mạnh dạn đổi mới, cải cách thể chế, cải cách các chính sách kinh tế để con đường thoát đói nghèo mở ra, mang cơ hội đến tận từng gia đình.

Động lực chúng ta mong muốn gặt hái ngay cho hiện tại chính là niềm tin. Hành trình tạo dựng niềm tin cho toàn xã hội đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, và là động lực cho phát triển mạnh mẽ.

Những doanh nhân mới hầu hết không phải anh “Hai Lúa” tay trắng như 40 năm trước, mà ít nhất họ cũng có tài sản là tri thức và có cuộc cách mạng công nghệ số hỗ trợ. Cái họ thiếu là niềm tin vào một cuộc cạnh tranh sòng phẳng bằng trí và lực trên thương trường.

Những hoạt động kinh tế kiểu “sân sau”, nương tựa vào quyền lực xin và cho đã làm méo mó nhiều thế hệ, đã đặt hoài nghi làm cảm hứng chủ đạo khi chúng ta nhìn vào một sự thành đạt, một sự nghiệp cá nhân.

Điều đó rất nguy hiểm khi hình thành một thế hệ không chỉ doanh nhân, mà còn cả tuổi trẻ của đất nước sống và làm ăn chụp giật, sao chép ý tưởng đến giết chết cả sự sáng tạo là điều đáng sợ nhất cho tương lai của một dân tộc.

Người Việt và nhiều dân tộc có thói quen nhìn lại một chặng đường theo con số chẵn. Có lẽ chúng ta cũng nên thay đổi hơn nữa, hãy luôn nhìn lại, đánh giá và quyết tâm thay đổi ngay, nếu cứ chờ mười năm, hai mươi năm, bốn mươi năm mới quay đầu nhìn lại, để tự thấy đã có thành tựu so với mấy chục năm trước, âu cũng là một cách tự dừng chân so với thế giới.

>Nhận diện lại "đặc quyền văn hóa Tết"
>Con đường về Tết
>
Nào đâu yếm trắng xa xôi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghĩ trước mùa Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO