Nghĩ trước cửa thiền

ĐỖ PHƯỚC TIẾN| 21/05/2018 03:43

Phật giáo vốn dĩ là con đường của những con người có năng lực tâm thức cao, ý chí mãnh liệt và đời sống tâm linh dồi dào. Những ai thất bại trong cuộc đời cũng sẽ thất bại trên con đường tu học.

Nghĩ trước cửa thiền

Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về một số điều căn bản khi nhìn những em bé mặc những chiếc áo lam đến chùa sinh hoạt, các em vui chơi, chạy nhảy mà chưa hề ngẫm đến "đời là bể khổ”. Đạo Phật được nhìn nhận là đạo của chữ "không", của "vô ngã”, của "đời là bể khổ”.

Số đông thường suy nghĩ về phạm trù tiêu cực và phủ định. Và tự nhiên nó có hấp lực đối với những người thụ động, thiếu khả năng thích ứng với cuộc đời, thiếu ý chí và khả năng sinh hữu với sự sống đầy thử thách, khó khăn. Trong khi đó, Phật giáo vốn dĩ là con đường của những con người có năng lực tâm thức cao, ý chí mãnh liệt và đời sống tâm linh dồi dào. Những ai thất bại trong cuộc đời cũng sẽ thất bại trên con đường tu học.

Chính vì có chuyện ngộ nhận như thế mới có những trường hợp ra đời phái Vô Vi của Lương Sĩ Hằng, phái Khai Ngộ của Thanh Hải hay những bài giảng giáo lý của Osho. Đó là điển hình những trường phái tu học khác mang màu sắc Phật giáo nhưng nhấn mạnh đến hai khái niệm Thượng đế và linh hồn. Đó là để đáp ứng nhu cầu của những người Việt đang sống và tiếp thu văn hóa trên đất Mỹ.

Bởi vì Phật giáo chỉ cho các Phật tử biểu tượng Quán Thế Âm của trái tim từ bi, của A Di Đà cho trí tuệ siêu việt, của Đại Thế Chí cho ý chí sinh hữu, cho Di Lặc của một niềm vui khoáng đạt. Nhưng biểu tượng của Phật Thích Ca Mâu Ni thì vẫn còn nằm trong cõi tột đỉnh của tiến hóa tâm thức, chưa phải là một đối thể thân thiện như hình tượng một ông Trời đầy mầu nhiệm và kỷ luật.

Trong những tạng kinh xưa cũ nhất của Phật giáo nói về nhân vật lịch sử Thích Ca Mâu Ni, chúng ta sẽ nhận ra thế giới quan Ấn Độ. Tuy nhiên, trong truyền thống thiền, chúng ta sẽ tìm thấy thế giới quan của Trung Hoa, và trong Phật giáo Tây Tạng chúng ta cũng sẽ tìm thấy thế giới quan của Tây Tạng. Có hai câu chuyện, chuyện thứ nhất nói về ý niệm luân hồi, dù rất quan trọng trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng nhưng lại không có ký lô nào trong truyền thống thiền.

Chuyện kể một hoàng đế Trung Hoa hỏi một thiền sư điều gì sẽ xảy ra sau khi con người chết đi. Thiền sư bảo ông không biết. "Nhưng ngài là một thiền sư mà”, Hoàng đế nói to. "Đúng thế, nhưng tôi đang còn sống đây", thiền sư trả lời. Không chịu ảnh hưởng của một thế giới quan nhất định nào đó mà luôn tự tìm cách diễn đạt và biểu lộ một cách mới mẻ qua ngôn ngữ và thế giới quan của địa phương, nơi Phật giáo phát triển và nảy nở. Đó là đặc điểm lớn nhất sau 2.500 năm tồn tại của Phật giáo.

Còn chuyện thứ hai, xin được phép dùng để giải quyết vấn đề đặt ra từ đầu: khả năng thích ứng quan trọng cỡ nào, chưa biết, nhưng ít nhất nó khiến việc tiếp nhận toàn cầu hóa, một xu hướng không thể thay đổi, trở nên dễ chịu và nếu có mất mát thì cũng ở khía cạnh ít tiêu cực nhất.

Một đoạn trong Tương Ưng bộ kinh kể rằng dân làng Kalamas đã chất vấn đức Phật như thế này: "Các vị tu sĩ thường xuyên đi ngang qua làng chúng tôi. Từng người một, ai cũng nói chỉ có mình mới tuyên giảng sự thực, còn những người khác đều láo khoét. Vậy chúng tôi biết phải tin ai đây?".

Phật trả lời: "Ta hiểu sự hoang mang của quý vị. Vì thế quý vị hãy đừng dựa vào truyền thống, vào kinh điển, vào quyền lực cũng như vào triết học". Và Phật dạy tiếp: "Khi nào quý vị thấy sự thực tập một giáo lý mang lại khổ đau thì hãy buông bỏ giáo lý đó. Trái lại, nếu quý vị thấy sự thực tập một giáo lý mang tới hạnh phúc thì hãy hành trì giáo lý đó”.

Chỉ còn ít ngày nữa là vào mùa Phật Đản, lại tự nhắc nhở mình tìm kiếm những điều hạnh phúc, như Phật dạy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghĩ trước cửa thiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO