Nếp sống quê trong lòng phố

PHAN HÒA BÌNH| 04/06/2018 03:38

Góc phố được một năm đẹp rực rỡ trong màu vàng quen thuộc của bông vạn thọ, bà con biết ơn ông, người đã đem nông thôn yên bình ngàn đời về giữa phố!

Nếp sống quê trong lòng phố

Hôm qua, sau cơn mưa lớn, ông cụ lại ra thăm mấy luống mùng tơi, giàn bầu, bí mướt xanh ở góc phố, chỗ mấy lô đất chủ nhân mua để "lướt sóng bất động sản" nên để trống bấy lâu nay. Suốt từ Tết đến giờ mới có một trận mưa lớn như thế và một buổi chiều ông không phải còng lưng gánh nước để tưới rau.

Thỉnh thoảng trò chuyện với ông, nhìn những nếp nhăn như tạc vào gương mặt ông lão đã gần 90 tuổi, tôi thật sự khâm phục ông. Nếp nhăn nào hình thành khi ông cần mẫn nuôi sáu đứa con thơ ăn học trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, nghe đại bác nổ đùng đùng là lùa bầy con chạy loạn. Thấy êm êm lại về vườn cũ trồng trọt, nuôi mấy con gà, gieo ít lúa với hy vọng có cái ăn. Nếp nhăn nào hình thành khi đứa con lớn qua đời vì bệnh ung thư, bỏ lại gia đình nhỏ đông đúc.

Nếp nhăn nào in hằn trên gương mặt khắc khổ khi bỗng dưng thôn xóm nơi ông ở lọt vào một dự án "treo", tiền đền bù rẻ bèo chỉ đủ cho ông và đại gia đình xây ngôi nhà nhỏ trong khu tái định cư, phải sống cuộc sống đô thị mà ông già quá rồi, không quen nổi. Còn khỏe mạnh mà tay chân trở nên thừa thãi vì không còn vườn tược, không còn được đi ra đi vào chăm sóc mấy luống đậu hay tỉa ít vạt rau màu.

Bọn trẻ thích nghi nhanh hơn, chúng vào phố kiếm việc, chia nhau số tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án ít ỏi để vào các khu công nghiệp ở miền trong với hy vọng đổi đời. Ông bảo: "Tui cũng ưng vô mấy khu nghỉ dưỡng ven biển đẹp kia xin một chân cắt cỏ hay tỉa cây cho đỡ nhớ vườn, nhưng già quá nên họ không dám thuê. Mấy đứa con cứ nói ông nghỉ ngơi đi cho sướng, sao đòi làm nông hoài vậy?".

Đúng là ông đòi được làm nông thật, ngồi không, tiêu mấy đồng bạc lẻ cũng phải so đo. Ngồi không, đau hết mình mẩy, xương cốt. Rồi ông ngắm phố phường và phát hiện có mấy lô đất nền bỏ không. Ông hỏi thăm tìm chủ đất mượn để trồng rau. Chủ đất ưng bụng, gật liền. Đất bỏ không, hay bị mấy anh xây dựng chiếm dụng đổ gạch vụn.

Ngày ông ra tay dọn "vườn mới", cả xóm đổ ra chép miệng tội nghiệp ông già trái tính, rồi cũng toàn người gốc nhà nông nên nhiều người xắn tay giúp ông. Những người khác hứa sẽ mua rau cho ông già. Hơn tháng sau, cả khu đất đã thấy nhú lên màu xanh của rau non. Vài cái giàn bằng tre cũng đã xong. Mấy ông già cùng xóm lại hứa hồi nào bí, bầu leo lên giàn, chiều chiều sẽ ghé lại để cùng nhau đánh cờ, uống trà.

Khu vườn lúc vắng vẻ, lúc nườm nượp người mua rau, đánh cờ tướng. Ai mua rau cũng ghé vô uống trà, ngắm ông cụ đang cần mẫn tưới rau. Uống trà xong thì theo phía ông chỉ, tự cắt rau đủ dùng, rồi dằn tiền xuống dưới ly trà trước khi ra về, đúng kiểu dân thành thị, rất thích thư giãn như vậy. Có hôm ông đi đâu về, thấy trên giàn biến mất trái bầu non, chỗ ngồi uống trà có tờ giấy ghi: "Con cắt trái bầu rồi nha bác Ba, tiền con để chỗ bí mật đó, bác cất giùm!". Ông già cười, cả xóm biết chỗ cất tiền bí mật là dưới bàn cờ tướng thôi.

Thỉnh thoảng vào ngày chủ nhật, tôi không cho bọn trẻ ngủ nướng, gọi chúng dậy thật sớm để ra vườn giúp ông ngoại và học lấy nghề nông. Vậy mà chúng rất thích, vì được ngoại dạy nhổ cỏ, cho mấy cây cải non trồng riêng một khoảnh đất, gọi là vườn của bé Tít, bé Su, chúng còn làm bảng giấy, ghi tên mình đàng hoàng. Tết năm vừa rồi, ông trồng hơn nghìn gốc vạn thọ, rồi vô chậu, bày ngay ngã tư đông đúc bán.

Bà con ở góc phố lại kéo nhau ra đó, chào mời, giúp ông bỏ chậu bông lên xe cho khách. Nhưng cố lắm cũng chỉ bán được có bảy trăm chậu. Chiều 30 Tết, ông về ngồi dưới giàn bầu, bí quen thuộc hút thuốc, biểu tụi nhỏ giúp ông đưa hoa về để dọc con đường nhỏ góc phố. Góc phố được một năm đẹp rực rỡ trong màu vàng quen thuộc của bông vạn thọ, bà con biết ơn ông, người đã đem nông thôn yên bình ngàn đời về giữa phố!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nếp sống quê trong lòng phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO