Mùa lụt xứ Huế

PHI TÂN| 19/11/2017 04:20

Tôi cứ nhớ mãi câu người Huế hay nói: "Mưa như thể đã mưa từ kiếp trước".

Mùa lụt xứ Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ở ký túc xá, mưa xứ Huế đã thử thách lòng người. Mưa một trộ từ sáng đến trưa, rồi từ chiều đến đêm.

Nằm co ro trên chiếc giường tầng và không ngủ được vì mưa, vì tiếng ễnh ương kêu mà nhớ nhà, nhớ những đêm mưa mấy anh em chui vào một chiếc mền mỏng đùa giỡn đủ trò cho đến khi tắt đèn đi ngủ. Ở Huế lâu nên yêu luôn mưa trong lòng Huế.

Nhớ chỗ làm việc cũ nhìn ra ngay cầu Trường Tiền. Đó là ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, mái lợp ngói liệt nên mưa có to đến mấy, ngồi trong phòng cũng thấy yên ả. Những hàng mưa ngoài hiên nhìn thẳng đều, đẹp như những nốt nhạc. Người anh đồng nghiệp cứ trời mưa là mở nhạc Ngô Thụy Miên và mở cả cửa sổ để ngắm mưa qua cầu Trường Tiền, mưa xuống sông Hương mà tìm cảm hứng viết bài.

Những con chữ viết tay của anh ngoằn ngoèo, chi chít như những sợi mưa.

Một nhà thơ xứ Huế vào miền Nam chơi, trong một cuộc nhậu ở vỉa hè Sài Gòn đã ném cái nhìn khinh bạc vào màn mưa mà nói với bạn bè rằng: "Mưa ri cũng gọi là mưa à, mưa là phải mưa như ở Huế của tau".

Link bài viết

Huế mấy năm ni ít lụt nên chỉ cần mấy cơn mưa lớn đầu mùa cũng gây ngập sâu ở một số tuyến đường và làm dân tình chộn rộn trên mạng xã hội. Đứa em bạn ở Sài Gòn lo lắng cho chú mạ ngoài làng, rồi anh bạn ở Hà Nội phải nhờ tôi cập nhật coi lụt ở Huế ra răng... Chừ thì lụt thật. Mà dễ đến hơn năm năm rồi mới thấy lụt ở Huế đúng nghĩa. Lụt là nước từ nguồn đổ về sông Hương, dòng nước màu nâu cuồn cuộn chảy và dâng cao tràn bờ, ngập đường, vào nhà, nói theo ngôn ngữ của dân khí tượng thủy văn là "trên mức báo động 3".

Mà dân Huế từ phố đến làng cũng bình thản trước lụt lắm, "trời hành cơn lụt mỗi năm" mà! Làng tôi, một vùng quê xứ Huế bên sông Ô Lâu nhưng cũng mấy năm rồi chưa thấy lụt to, đó là khi con nước bạc tràn về cánh đồng làng, lũ chim cò nháo nhác bay vào làng tìm mấy lũy tre để tá túc. Nước ngập đường là lụt nhỏ, vào vườn là lụt vừa, còn khi nước vào tận sân, rồi vào nhà là lụt to.

Khi nước rút thì từ lụt nhà xuống còn lụt sân và sau đó chỉ còn lụt đường. Người lớn không biết răng chứ lũ con nít thấy lụt rút rồi là buồn lắm, trước tiên là phải đi học lại, không còn hả hê với mấy trò chơi chèo bè, rớ cá và lội lụt... Khi nước lụt chỉ còn ngập đường, nhà mô có rớ là vác xuống đường, đặt rớ nơi mấy miệng cống mà rớ cá.

Đi coi rớ cá là một thú vui của tuổi thơ tôi, nhất là lâu lâu chủ rớ cho cầm dây cất lên một mẻ cá. Sướng lắm mặc dù cá là của người ta chứ chẳng phải của mình. Người rớ cá chuẩn bị sẵn một cái thùng để đựng cá rớ được, người đi qua đi lại tới dở nắp thùng lên coi rồi khen cá nhiều, thấy cũng vui.

Hồi còn là sinh viên, có lần qua đêm ở phòng trọ của thằng bạn trên đường Nguyễn Công Trứ, ven sông Như Ý. Nửa đêm nước lụt vào phòng và điện bị cúp. Rứa là cả mấy thằng rủ nhau đi lội lụt đêm. Lội xuống đoạn đường Nguyễn Lộ Trạch, ghé vào nhà một người bà con của bạn. Lụt vào nhà lại là dịp vui của xóm. Họ nấu một nồi xôi to ăn với muối đậu phụng.

Mấy thằng sinh viên bụng đang đói gặp một bữa xôi nóng giữa mùa nước lụt thấy ngon thôi rồi. Vừa ăn vừa nghe mấy chú trong xóm kể chuyện lụt Huế, chủ yếu là chuyện vui mùa lụt.

Người Huế đi xa lo lắng quê nhà mùa bão lụt. Họ còn có nỗi nhớ những cơn lụt Huế vào độ cuối thu đầu đông cực nhọc trần ai nhưng chan chứa tình người và cũng có chút niềm vui với con nước lên, con nước xuống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa lụt xứ Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO