Món ngon xứ Quảng

HỒNG BÍCH| 09/01/2018 08:00

Ẩm thực "bình dân" Quảng Ngãi lắm chiêu lạ, cũng bởi đất nghèo nên phải "động não".

Món ngon xứ Quảng

Tuần vừa rồi, anh Nguyễn Đình Đầy - một giảng viên đại học ở TP.HCM nhắn tin hỏi tôi có còn nhớ chuyến đi của Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn đến Quảng Ngãi năm 2010. Anh bảo đang ở trong Nam mà nhớ mấy món ngon Quảng Ngãi quê mình quá, Tết này nhất định phải thu xếp về quê thong dong vài ngày, ngao du sơn thủy và thưởng thức mấy món ngon của dân Quảng Ngãi.

Tôi biết mình mà nhắc lại thì bạn bè xa quê, không phải quá xa như ở nước ngoài, chỉ cần ở Đà Nẵng hoặc Sài Gòn, Hà Nội sẽ nhớ quay quắt cái hương vị thơm ngon của món ăn xứ Quảng. Hôm ấy, đoàn Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn rất vất vả trong chương trình giao lưu khởi nghiệp dành cho sinh viên Quảng Ngãi, bụng đói cồn cào sau quãng đường dài, những bữa ăn "bình dân" làm sướng cái bụng, thòm thèm cái lưỡi, về đến Sài Gòn thỉnh thoảng cứ nhắn tin hỏi nhau còn nhớ món ấy, món nọ, hỏi nhau bao giờ lại ra xứ "nẫu" vì tình cảm chân chất của người dân miền Trung rất lạ.

Anh Nguyễn Đình Đầy mơ Tết Mậu Tuất này về Quảng Ngãi ăn don. Lần ấy anh dẫn chúng tôi đi về một làng biển cách trung tâm thành phố đến hai chục cây số chỉ để biết don Thu Xà. Làng Thu Xà ở gần cửa biển, được thiên nhiên ưu đãi một vùng nước lợ có nhiều loại thủy sản ngon, nhưng nổi tiếng nhất là món don, một loại hến bé bằng đầu cây tăm tre.

Chúng tôi hớn hở vào tận bếp xem cách chế biến don, nước dùng chính là nước luộc don nêm gia vị, rau răm, hành lá, chút ớt tươi cay nồng. Don hấp nóng múc ra tô cùng nước dùng, bánh tráng nướng giòn, bỏ vào tô rồi dùng muỗng húp, thưởng thức trọn vẹn vị ngon nguyên sơ. Xung quanh chúng tôi có mấy người nông dân từ ruộng vô ăn don "bữa lỡ", tức xế chiều.

Đoàn Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn và nông dân Quảng Ngãi đều xì xụp, tận hưởng hương vị tự nhiên không bị bất cứ gia vị nào lấn át, chỉ có hơi ớt nồng nàn đưa đẩy đến toát hết mồ hôi mà vẫn không dừng lại được, phải ăn đến no mới chịu ngưng. Vì thế mà nông dân Quảng Ngãi mới ứng khẩu "Nghèo nghèo, nợ nợ/ Cũng cưới con vợ bán don...".

Ẩm thực "bình dân" Quảng Ngãi lắm chiêu lạ, cũng bởi đất nghèo nên phải "động não". Mực cơm tươi mới vớt từ biển lên rang sơ với chút muối, để nguyên cả ống mực tí xíu như cái tăm và ăn ngang phè vậy, thế mà ngon ngọt lạ kỳ, khác hẳn cái vị bột nêm công nghiệp thị thành. Rồi con cá cơm nghèo hèn đệ nhất làng biển cũng được vợ các tay bợm nhậu chế biến thành món gỏi mỗi năm được mùa, cá cơm ê hề khắp chợ.

Tôi nhớ ai ở xa đến nghe nói món gỏi cá cơm đều thấy ngán cái thứ cá nhỏ, xương nhiều, đem làm gỏi không biết ra sao. Thế nhưng chỉ một đũa thăm dò, kẹp mấy con cá cơm cùng chút rau sống cuốn chung với bánh tráng, chấm vào chén tương làm từ nước cốt cá và chanh thì khó lòng không thương cái miếng ngon xứ Quảng.

Tôi chỉ muốn nhớ những món ngon chưa bao giờ vượt ra khỏi ranh giới của địa phương, kiểu như không đủ để ăn tại chỗ, nhưng thật ra chúng ngon vì tươi, nêm ít gia vị nên khá đặc biệt. Quảng Ngãi có kẹo gương, bánh tráng dừa, đường phèn, đường phổi, có cá bống sông Trà nổi tiếng bán khắp các siêu thị lớn, nhỏ.

Nhưng phàm cái gì nhân rộng ra thì ắt có sự can thiệp của công nghiệp thực phẩm, những gia vị lấn át nên cũng trở thành bình thường, ít gây thương nhớ. Thế nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đi tìm món don ở Đà Nẵng hay Sài Gòn. Bảo thủ vậy đó!

Ăn ngon như nông dân là "tiêu chuẩn ẩm thực xứ nghèo". Tôi nhớ lắm món tiết canh nghêu ăn ở một quán nhỏ ven biển huyện Núi Thành thuộc tỉnh Quảng Nam nhưng sát vách Quảng Ngãi nên cách ăn ngon cũng "lai" nhau. Nghe nói ăn tiết canh nghêu sẽ hiểu đó là món gỏi nghêu, trên chiếc đĩa men sứ trắng, một lớp nghêu sống rải dày, một lớp đậu phụng rang vàng, điểm xuyết thêm ớt xanh thơm lừng trứ danh miền Trung, rồi rau răm, hành phi.

Bên cạnh là mấy cái bánh tráng nướng giòn tan. Khách sẽ thắc mắc, nghêu làm gì có tiết mà bảo đây là món tiết canh nghêu. Ông bạn tôi lúc này mới nhón một con nghêu còn nguyên nằm ở rìa đĩa, dùng đầu cây tăm chọc vào đầu con nghêu, từ đó nhỏ ra đúng một giọt nước đục sền sệt. Mùi nghêu sống trộn với gia vị và rau tươi, thêm giọt "tiết canh", món gỏi nghêu có hương vị lạ lùng không đâu có.

Quán còn có món lẩu sứa nghe cũng... lạ tai. Đặc điểm của lẩu sứa là các loại lá rừng. Cho một vài miếng sứa vào nồi, gắp ít bún vào chén, rắc ít đậu phụng rang, thêm lát chanh, rồi chan nước dùng và gắp mấy miếng sứa nóng để lên trên. Miếng sứa trong miệng giòn sần sật còn nguyên hương vị của biển, mằn mặn, hoang sơ hòa với vị cay và mùi thơm của mấy loại lá rừng nhúng qua nước của nồi lẩu bốc khói.

Người nào sợ mùi tanh sẽ đổi qua lẩu sứa bắp chuối, gia vị nêm nếm khá đậm màu, cùng với sứa còn có một ít tôm và nghêu tươi để nguyên vỏ. Bắp chuối xắt mỏng bỏ sẵn trong chén bún, sau đó chan nước lẩu béo cùng với sứa và nghêu. Cả một trời hương vị từ dưới lòng biển như gói gọn trong chén bún đậm đà.

Nói ăn ngon như nông dân xứ Quảng giản dị vậy đó. Ăn mà thương lắm!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Món ngon xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO