Món ngon hẻm nhỏ

BÍCH HỒNG| 31/07/2016 06:49

Tại sao cũng thừa hưởng một di sản văn hóa, nhưng nơi này phát triển và hòa nhập dòng chảy mới, nơi khác mỏi mòn dưới gánh nặng di sản?

Món ngon hẻm nhỏ

Chú Hai Toản bán hủ tíu mì 50 năm ở một con hẻm nhỏ đã trải qua mọi biến cố thời cuộc, những cuộc ly loạn, những cuộc ra đi và trở về của người ở phố, rồi hòa bình về và du khách tới.  

Đọc E-paper

Tô hủ tíu chú bán có chục hương vị, miếng gan ướp gia vị rim tới săn lại, miếng bao tử xắt mỏng như lá lúa, rồi thịt xá xíu, con tôm tươi to nõn nà. Những cọng rau quế tàu, cần tây tươi ăn kèm, lớp giá trụng xếp ở đáy bát là bất biến.

Tô hủ tíu của Hai Toản là vậy, bất chấp thời cuộc, ly loạn, đói kém không lấy bớt con tôm thì dù du khách lấp ngõ trước ngõ sau không khiến chú định giá tô mì quá giá trị của nó. Khách ăn xong, no bụng rồi, thỏa mãn với vị ngon lắm rồi, nhưng vẫn biết rõ khi nào đói lòng sẽ quay lại.

Mà thành phố nhỏ này đâu chỉ mỗi hủ tíu Hai Toản giữ phong cách và giá trị bất chấp thời cuộc. Thiên hạ ra mặt tiền phố đón lõng du khách, người bán cơm gà đặc sản nhưng toàn nói giọng tỉnh khác. Nhưng có chú bán cơm tên Xí vẫn nương náu trong hẻm chật.

Người ta bán đĩa cơm 35 - 50 ngàn đồng, chú cương quyết giữ giá 20 ngàn đồng, chật vật dậy sớm để đi lấy rau tận làng, lấy gà tận lò để bớt chi phí, để đĩa cơm gà đặc sản mang tên Xí chỉ chạy quanh cái giá 20 ngàn đồng mà vẫn ngon, vẫn đậm đà, giữ được cái tiếng đặc sản. Ông chủ Xí ngày bán gần trăm con gà, cuối ngày vẫn cười nói bỡn cợt, vẫn tận tình chỉ vẽ cho khách qua lại hỏi đường.

Bên cạnh hàng cơm của chú Xí là hàng cháo, thứ cháo cho dân nhà giàu chán cơm lót lòng đêm khuya, cháo trắng nấu có bỏ lá dứa, ăn với hột vịt bắc thảo, hột vịt muối, nhưng ngon nhất là ăn với cá nục tươi nấu tới rục xương, tới dẻo quẹo con cá.

Tô cháo ấy trị giá 12 ngàn đồng, cộng với ly nước ổi ép 10 ngàn, cảm giác lót lòng thật nhẹ nhõm vì thực khách tin rằng mình sẽ không nạp thừa năng lượng, sẽ bổ sung được vài loại vitamin.

Còn nhiều ông bà chủ hàng quán vỉa hè như vậy, họ làm nên gương mặt thành phố nhỏ bé xinh đẹp và nổi tiếng với nền ẩm thực lai tạp khắp vùng Đông Nam Á. Nhưng sự tử tế là bất biến, được làm nên từ mỗi người dân của phố nhỏ, dẫu sát ngay bên cạnh họ có thể là ông bán dừa tươi hồn nhiên nói 20 ngàn đồng một quả là giá cho người ở đây, còn du khách là 25 ngàn đồng.

Chỉ cách nhau mấy mét đường, mấy ngàn đồng mà đã vẽ nên những mảng văn hóa khác nhau. Cái nào sẽ thắng, cái nào sẽ là giá trị chủ đạo dẫn dắt sự phát triển của thành phố này?

Nếu có dịp ghé qua thành phố này, lướt qua những căn nhà mặt tiền trị giá cả chục tỷ đồng vì nằm trong vùng đất vàng, mua những món đồ lưu niệm, dùng bữa trong các nhà hàng sang trọng, chắc chắn bạn sẽ thích cung cách phục vụ khá thân thiện, chuẩn mực, nhưng sẽ hiểu thế nào về một thành phố tử tế.

Trả một món tiền lớn để đổi lấy phong cách phục vụ chuẩn, điều đó có ở bất cứ nơi nào của Việt Nam hay Thái Lan, hoặc xa hơn nữa là Bali của Indonesia. Còn nhẩn nha dạo phố, kéo ghế ngồi ăn ở quán vỉa hè mà bắt gặp một món ngon hợp khẩu vị, tiếng cười vui giữa những người ngồi ăn tình cờ gặp nhau trong cái nhịp nhàng đưa đẩy dẫn chuyện của ông chủ quán, tận hưởng cái vị ngon nguyên sơ do người địa phương tạo ra, ấy mới là hương hoa thật.

Nó là giá trị khiến ta thấy lòng bị thúc giục khoác ba lô lên đường khám phá. Bởi vậy mới hiểu tại sao cũng thừa hưởng một di sản văn hóa, nhưng nơi này phát triển và hòa nhập dòng chảy mới, nơi khác mỏi mòn dưới gánh nặng di sản.

>Nơi đồng tiền lẻ còn nhiều giá trị

>Sắc màu mới ở làng chài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Món ngon hẻm nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO