Lựa chọn để cống hiến

HỒNG BÍCH| 04/12/2018 05:30

Chưa bao giờ xã hội có quá nhiều điều băn khoăn về sự phát triển và những bất cập của ngành giáo dục như hiện nay...

Lựa chọn để cống hiến

Người phụ nữ nhỏ nhắn đó là chủ của một vài thương hiệu dịch vụ chăm sóc sức khỏe có tiếng trong thành phố. Chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng khi biết chị xuất thân là giáo viên có thâm niên 20 năm, bây giờ vẫn tiếp tục dạy môn văn ở một trường phổ thông và chuyện đi dạy của chị cũng có rất nhiều điều thú vị.

Chị kể, ba mươi năm trước, người thầy đáng kính đã dìu dắt chị và các bạn qua những giờ dạy văn học vô cùng đặc biệt, để lại dấu ấn tốt đẹp trong tâm khảm học trò về sự mẫu mực, uyên bác. Khi các chị đứng trước sự chọn lựa nghề nghiệp tương lai, thầy đã nói: "Ngày trước thầy học rất giỏi, đủ khả năng vào cả trường y khoa lẫn sư phạm. Thầy chọn nghề dạy học chỉ với suy nghĩ nghề trồng người, truyền đạt kiến thức này cần những người có năng lực đáp ứng được yêu cầu của nghề. Vì vậy bây giờ thầy cũng mong các em, những học trò giỏi, theo nghề sư phạm, cống hiến cho xã hội".

Và ngày ấy, nhóm bảy học sinh giỏi nhất lớp đã vâng lời thầy, chọn thi vào trường sư phạm.

Điều tuyệt vời là đến nay, bảy học sinh ưu tú ngày nào vẫn theo nghề dạy học, thực hiện trọn vẹn tâm nguyện của người thầy năm xưa. Vài người trong số đó còn lấn sân sang kinh doanh, làm thêm các nghề khác để phụ vào khoản thu nhập ít ỏi của nhà giáo, rồi đã thành công trên thương trường nhưng vẫn giữ nghề dạy học như người phụ nữ này. Bởi chị tâm sự, thầy chị đã nói những người học giỏi, ưu tú nên ở trong ngành giáo dục, xã hội cần họ, đừng để ngành sư phạm chỉ nhận được những người kém cỏi.

Link bài viết

Mỗi lần gặp khó khăn vì công việc bề bộn, nản chí vì môi trường sư phạm có nhiều vấn đề bất cập, có ý định ngưng công việc dạy học, chị lại nghĩ đến người thầy giáo cũ, rồi nhận ra chị gắn bó với những thế hệ học trò biết bao, có những lớp học trò đã trưởng thành, quay lại tìm chị, gắn bó với chị như một người bạn và cùng nhau chia sẻ những chí hướng sống tốt.

Câu chuyện của chị làm chúng tôi ngạc nhiên vô cùng, bởi chị là người rất quyết đoán trên thương trường. Dường như bao năng lượng chưa dùng đến cho ngành sư phạm chị đưa vào công việc kinh doanh để có cuộc sống tốt hơn mà yên tâm dạy học. Và tâm sự của chị về người thầy cũ cũng làm chúng tôi hết sức xúc động.

Bao nhiêu năm rồi ngành sư phạm lấy điểm đầu vào rất thấp nhưng không phải không thu hút được những sinh viên giỏi và tâm huyết, có sự lựa chọn con đường sống và làm việc rất rõ ràng như vậy. Đây đó trong ngành sư phạm có nhiều người thầy đã để lại những dấu ấn khó phai trong tâm khảm học trò.

Có người thầy dạy ở trường xa tít trên vùng cao, chấp nhận xa nhà, xa vợ con hơn 10 năm trời, mỗi lần muốn chuyển công tác xuống đồng bằng, thấy các em học trò dân tộc thiểu số níu kéo, khóc lóc, thầy lại thay đổi ý định, không thể dứt áo ra đi. Có người thầy được học trò xem như một người cha, luôn bảo vệ các em tránh khỏi những tổn thương quá sớm khi môi trường học đường không thật sự yên bình.

Chưa bao giờ xã hội có quá nhiều điều băn khoăn về sự phát triển và những bất cập của ngành giáo dục như bây giờ, thậm chí người dân thiếu niềm tin vào những chương trình cải cách giáo dục và đào tạo gây tranh cãi gay gắt trong dư luận. Tình trạng ra nước ngoài du học, du học tại chỗ ở các trường quốc tế lan rộng như một câu trả lời của xã hội trước thực trạng giáo dục phổ thông, đào tạo đại học có nhiều bất cập, chênh lệch giữa cung và cầu trong thực tế.

Trước thực trạng ấy, địa vị và tâm huyết của người làm nghề giáo sao tránh khỏi chao đảo. Ngẫm lại mới thấy lời của người thầy năm xưa rất chí lý: phải đưa những người giỏi vào làm việc trong ngành giáo dục. Đầu vào của ngành sư phạm phải tuyển những sinh viên xuất sắc, khi đó những chương trình cải cách giáo dục mới ít gây tranh cãi và có được sự đồng thuận cao để thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lựa chọn để cống hiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO