Kỹ năng sống

KHẢI LY| 23/08/2013 00:32

Mỗi ngày bạn nhận được hàng tá thư mời tham gia các chương trình quản lý đầu tư, quản lý tài chính cá nhân, bí quyết thành công trong xin việc...

Kỹ năng sống

Mỗi ngày bạn nhận được hàng tá thư mời tham gia các chương trình quản lý đầu tư, quản lý tài chính cá nhân, bí quyết thành công trong xin việc...

Đọc E-paper

Điều đó có nghĩa là trong đời sống riêng, bao giờ con người cũng nóng vội muốn gặt hái cái vĩ mô của cuộc đời mà chưa từng thật sự quan tâm đến cái vi mô vốn lại là nền tảng của của mọi sự thành công cuộc sống.

Hãy nói với một người còn trẻ về nỗi lo bệnh tật của con người đi, lập tức bạn sẽ nhận thấy sự chú ý của người đối diện sẽ giảm đi trong ánh mắt bớt chăm chú, trong nụ cười hoài nghi và chia tay vội sau đó vì chủ đề chán ngắt! Tuổi trẻ đời còn dài, đối với họ, sự nghiệp mới là chuyện quan trọng.

Mới đây một cô y tá người Mỹ viết về những điều cô lắng nghe được từ những bệnh nhân của mình thổ lộ, rằng điều đầu tiên làm cho họ tiếc nuối nhất bây giờ chính là đã không sống thực với bản thân. Nhiều người đánh giá cao những đúc kết đó ngay từ khi mới nghe câu chuyện.

Nhưng cứ thử ngẫm nghĩ xem, dù họ sắp lìa đời, thì việc muốn sống thực với bản thân cũng chỉ nhắm đến việc họ đang nghĩ đến những điều ao ước muốn làm, mà vì không dám sống thực nên đã để vuột mất trong cuộc đời ngắn ngủi.

Sống thực với bản thân là gì, có thể trong cái ánh hồi quang cuối cuộc đời, thì họ vẫn chỉ là con người đó, sự hối tiếc vẫn trên nền tảng phông văn hóa của cá nhân, với bản năng sinh tồn ích kỷ và những yếu tố xã hội khác.

Hãy sống thực với chính mình? Liệu có nên cổ vũ cho xu hướng đó không? Nghe thì rất hay, không có gì hay hơn là sự trung thực với xã hội thì phải bắt đầu bằng sự trung thực với chính bản thân mình trước.

Tuy nhiên, khi bắt đầu sống thực với bản thân, chúng ta cũng sẽ khởi đi một hành trình lựa chọn, và đáp số là ở việc lựa chọn nào để đến cuối cuộc đời không hề hối tiếc. Ở đời, được cái này phải chấp nhận bỏ cái kia, đó gần như một định đề toán học, và để chuẩn bị cho quá trình nhận được điều gì tốt đẹp nhất, thì ta phải chuẩn bị cho nó.

Mới đây, một diễn văn của nhà văn đồng thời hiệu trưởng của một trường đại học tại Mỹ, ông Gieorge Saunder đã có bài diễn văn nổi tiếng với sinh viên tốt nghiệp về lòng tử tế, hãy sống tử tế, một bài diễn văn thú vị đến mức The New York Time đã đăng tải lại.

Trong đó, ông kể nhiều câu chuyện nhấn mạnh rằng, con người càng già đi, thì lòng tốt và sự tử tế càng tăng theo sự trưởng thành, và họ luôn bị những câu chuyện của quá khứ nhắc nhở rằng mình đã không tử tế, sống tốt với một ai đó làm cho day dứt.

Xã hội Mỹ thiên về kỹ trị, nhưng bài diễn văn tiễn sinh viên, các trí thức trẻ vào đời lại là những nhắc nhở về việc phải nhanh chóng sống tử tế chứ không đợi đến càng già mới càng... tử tế!

Vấn đề ông giáo sư Mỹ đau đáu chính là thứ xã hội chúng ta đang đối mặt, với thảm họa sống mất phương hướng vì lòng tốt và sự tử tế ngày càng khuất lấp. Dường như ai nấy đều để cho bản năng sống còn cuốn đi, để đạt được những điều mà sự sinh tồn cá nhân mách bảo.

Xin đừng cho rằng chỉ có những người ít học, những ông bà chủ của bún hoá chất, cá nhựa tẩm đặc sản, phở phóc - môn và muôn vàn thứ thực phẩm ô nhiễm chất độc hoá học khác đang đầu độc bữa ăn của chúng ta hằng ngày thì không biết gì đến sự tử tế. Vậy những thảm họa y đức trong ngành y tế, nơi tập trung các trí thức hạng nhất của xã hội thì hiện tượng này nên lý giải ra sao?

Ngay việc xảy ra chuyện ba em bé sơ sinh chết cùng lúc vì tiêm vắc-xin viêm gan, thì Bộ trưởng Y tế cũng đã không xử sự bằng cái "tình người" chia sẻ, mà lập tức bản năng điều khiển hành vi là tìm ngay người trực tiếp tiêm chủng để thực hiện kỷ luật, cứ tưởng làm như vậy là xoa dịu được dư luận xã hội đang nổi giận vì cái lỗi hệ thống của ngành y tế.

Tiếp theo đến thảm hoạ nhân bản các xét nghiệm máu bệnh nhân xảy ra, rồi đến vụ người nhà bệnh nhân đâp phá bệnh viện đánh các y bác sĩ vì bệnh nhân tử vong do sốc thuốc.

Tất cả sự giận dữ đó của dư luận cũng bởi họ đã đổ vỡ niềm tin và cho rằng môi trường của ngành y đang chứa đựng những ung nhọt lớn nhất của lương tri. Vậy nhưng không có quan chức nào của ngành y tế nói đến từ "day dứt, xin lỗi".

Chúng ta đã thấy khá nhiều quan chức khi nghỉ hưu, đã rất dũng cảm nói thật ra điều mà đáng lẽ khi còn tại chức họ phải làm và không làm được. Chỉ tiếc rằng khi ấy với địa vị một cựu quan chức nghỉ hưu, những ý kiến ấy có còn tác dụng nữa hay không khi hệ thống vẫn bị chi phối bởi lợi ích của một nhóm thiểu số?

Nếu theo nhận định của vị giáo sư nhà văn Mỹ nói trên, thì quá trình sống tử tế của các vị ấy đã diễn ra tương đối chậm, và rõ ràng như thế thì sự tử tế không giúp ích gì cho xã hội nữa.

Kỹ năng sống để thành công trong sự nghiệp là cân thiết, nhưng kỹ năng để có một đời sống tinh thần thoải mái không gì hơn là bạn luôn hành xử tử tế để buổi tối nhắm mắt ngủ ngon không gợn chút ân hận, để tuổi già không có gì phải day dứt.

Đoạn cuối của bài diễn từ dành cho các trí thức thật tuyệt vời: "Cuộc đời bạn là tiến trình hoàn thiện để cho ngày càng tốt, càng tử tế. Vậy thì cớ gì bạn không nhanh chân để tử tế, nhân ái sớm hơn, phải bắt đầu ngay từ bây giờ, khi bước vào đời!".

Có bao nhiêu sinh viên đã cảm động đến phát khóc khi nghe bài diễn từ ấy? Chỉ cần một nửa trong số họ lắng nghe và thực hành ý nghĩa lời dạy của ấy vào cái ngày cuối cùng ở cửa trường đại học, xã hội cũng bớt phần nhiễu nhương.

Một kỹ năng sống hạnh phúc như thế, nhưng nền giáo dục của chúng ta không nhìn trực diện, bày vẽ thẳng thắn, mà chỉ làm cho trẻ em rối trí trước những hiểm nguy cuộc sống bằng các bài học khô cứng trong sách giáo khoa công dân!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỹ năng sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO