Khó hơn... “bổ đề Langlands”

QUẢNG YÊN/DNSGCT| 23/09/2013 04:57

Cả nước hân hoan hồ hởi phấn khởi khi Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải Fields trong lĩnh vực toán học, tương đương với giải Nobel...

Khó hơn... “bổ đề Langlands”

Cả nước hân hoan hồ hởi phấn khởi khi Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải Fields trong lĩnh vực toán học, tương đương với giải Nobel. Từ đó, “bổ đề Langlands” được nhắc tới luôn, nhưng bổ đề đó là cái gì mà loài người chịu chết, mãi đến khi đó mới có một trí tuệ Việt Nam giải ra được? Oái oăm thế.

Sao cái vị nghĩ ra nó lại không cho lời giải luôn, để nhân loại tìm… gần chết?

Mà lạ, báo chí thông thái cũng chẳng ai giải thích giản dị giùm cho người trung bình hiểu, chỉ biết lơ mơ là nhờ sự giải của Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhân loại mới có thể dùng nó giải quyết một loạt vấn đề hóc búa của toán học. Còn làm sao giáo sư tìm ra nó, tìm ra thế nào, đã sáng tạo ra sao... thì chịu! Chẳng thấy nhà báo nào viết nổi.

Người ta còn nói, chỉ riêng muốn hiểu cái bổ đề đó, phải bỏ ra hàng tháng hàng năm mới giải thích và cho ta hiểu nổi. Ý là khó lắm, quý vị không nên
tìm hiểu vào chuyên môn khó, phải cỡ bác học mới đủ sức tiếp thu và tìm hiểu. Thôi thì cứ biết thế đã, một giáo sư trẻ của Việt Nam đã làm được một việc tầm nhân loại.

Tự hào quá!

Ở nhà, anh chị em chúng tôi dùng để nói với nhau như mật mã: “Thế nào, bổ đề dạo này có khỏe không, tình hình bổ đề ra sao… Bổ đề có phàn nàn gì không, v.v…”. Là hỏi thăm nhau về các “phụ huynh” đó.

Vì rằng  các cụ rất khó tính. Mời du lịch, không đi. Ăn thì không có mấy nhu cầu. Lại chỉ đòi cái thứ mà con cái không có: thời gian! (Cả tuần nay không thấy mặt mũi các anh các chị đâu…).

Ở các gia đình khác, trên báo chí cũng hay có các câu chuyện về ngược đãi người già. Có những hoàn cảnh kinh khủng kiểu như bà mẹ già kiếm ve chai nuôi đàn con bị tâm thần, hoặc gần đây nhất có một cụ bà 73 tuổi rồi còn phải nhảy sông tự tử vì bị ông chồng… chửi quá, chịu không nổi.

Khổ quá!

Các lão già mất nết rượu chè, vô tích sự, chơi trống bỏi, ăn hại vợ con, đập phá đồ đạc thì thấy nhiều rồi. Chắc mấy ông đó… sức khỏe tốt lắm, vì còn đập phá được. Chứ có những người đi không nổi kia kìa, đánh đấm được ai, ra đường đi xe đạp loạng quạng bị đứa trai trẻ đạp cho phát quay lơ, đâu dám làm gì. Chỉ đứng dậy lẩm bẩm lắc đầu ngao ngán, thời nay suy vi đạo đức quá rồi, tuổi trẻ mất dạy quá…

Đó, có các loại người đủ kiểu, nhưng một ông già mà chửi nanh nọc đến nỗi bà vợ phải nhảy sông tự tử thì đau đớn quá, và lạ quá. Chửi như bà mất
gà trong truyện của Nguyễn Công Hoan kia đã là điển hình đỉnh cao lắm rồi, nay đã có kỷ lục mới, không phải một mụ “nhà quê lắm điều” mà do một… ông già lập kỷ lục.

Thật là hết biết!

Nhưng tôi chắc chắn đó không phải là phổ biến, không thể tiêu biểu cho người già. Nhiều người già đau ốm (dĩ nhiên rồi), nghèo khổ kiếm sống nuôi thân, có khi nuôi con nữa (ngày nay con hư cũng nhiều, đứa đánh lộn bỏ học tham gia băng đảng, đứa vô tù, đứa nào tương đối khá thì chỉ lười
và hỗn hào cãi lại là cùng - thế đã là may lắm. Vì thời nay, chúng không nghiện hút là phải cảm ơn rồi).

Nhưng thôi không kể những người quá khổ, chỉ điểm qua cho đỡ bị phản biện là có nhiều người khổ này nọ. Chỉ nói tới những người như cha mẹ chúng tôi. Không thuộc loại “cha bố đại gia” được con cái phụng dưỡng.

Nhiều người có con cái thành đạt, lập nghiệp các nơi, thành con người quốc tế. Năm nay đi châu Âu chơi thăm con cháu, sang năm qua Mỹ dự lễ tốt nghiệp của con gái út. Ở trong nước thì tha hồ xài, cứ lấy hóa đơn đỏ cho công ty của con cái trả.

Nhiều vị lúc chưa về hưu quyền lực lớn lắm. Lo thiết kế cho con vào chức vụ tốt rồi cha mẹ mới về hưu. Có những đứa con tài giỏi tự lập thành đạt, giàu và khôn hơn cả cha mẹ xưa. Nên bây giờ chúng mới là “cha mẹ”, con đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Ý kiến ông bà già, chúng đâu nghe.

Trí khôn và kinh nghiệm xưa của người già, giờ đâu còn phù hợp. (Thí dụ xưa được chia biệt thự còn đem… trả lại vì thấy rộng quá, mình không có nhu cầu, xin đổi nhà nhỏ hơn…Cứ hỏi chuyện bạn bè mà xem, có khối người dại vậy đó).

Người già chỉ có giá trị là kinh nghiệm sống, mà kinh nghiệm của mấy ông bà lại như vậy, chỉ có… vứt! Người già bây giờ nếu con cái không biết nhớ ơn hiếu đễ, thì họ chẳng còn giá trị gì. Họ chỉ còn có “suy thoái”. Nhà nào còn tình thương ruột thịt mới thấy cần cha mẹ sống lâu thôi.

Khó thế đấy. Như bổ đề Langlands, ví như thế cho dễ hình dung ra “tầm cỡ của vấn đề”.

Tức là người già được con cháu nuôi dưỡng và đối xử ra sao, đó là một vế của bổ đề. Còn một vế nữa, là các cụ khó tính, khó chiều (chẳng biết cụ thích gì mà chiều. Biếu tiền thì chỉ khó với con cái nghèo, chứ giờ nhiều người trẻ đại gia lắm). Thật khó ghê. Làm gì có nhiều người giỏi để nghiên cứu giải giùm hay không.

Mong quá!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó hơn... “bổ đề Langlands”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO