Khi "vàng đá" đã tan

THIÊN THANH| 16/11/2013 08:43

Khi hai người kết hôn, người ta thường nói là "kết nghĩa đá vàng", ngụ ý tình nghĩa vợ chồng rất bền vững và quý giá.

Khi

Khi hai người kết hôn, người ta thường nói là "kết nghĩa đá vàng", ngụ ý tình nghĩa vợ chồng rất bền vững và quý giá.

Đọc E-paper

Thế nhưng, hình như xã hội ngày càng văn minh thì con người ngày càng ích kỷ, chỉ biết bản thân mà quên hết nghĩa tào khang. Ông bạn nghe tôi nói vậy liền cho xem một bộ ảnh về nghĩa tào khang thật cảm động.

Hai nhân vật chính là một cặp vợ chồng người Mỹ còn trẻ, và người Mỹ trong tâm thức chúng ta luôn là người thực dụng nhất thế giới. Sự thực dụng ở đây là cặp vợ chồng này đã để cho một nhiếp ảnh gia theo họ nhiều năm trời, ghi lại những khoảnh khắc khó khăn nhất.

Người vợ xuất hiện lần đầu trong bộ ảnh khi đang ngồi chờ kết quả xét nghiệm căn bệnh ung thư với tâm trạng cô đơn và tuyệt vọng. Trong các bức ảnh tiếp theo, người chồng bắt đầu xuất hiện, khi bên gối, lúc cầm tay người vợ đầu đã trọc, nhan sắc tàn phai vì quá trình hóa trị.

Bộ ảnh cứ thế kéo dài, lúc ghi dấu hy vọng rạng ngời, lúc cô đọng sự điên dại vì số phận nghiệt ngã, biết bao đêm dài thức trắng bên nhau, rồi đến cái chết, với tấm bia mộ và dòng chữ "Tôi yêu tất cả ở cô ấy".

Và một câu chuyện khác. Nhân vật chính là một phụ nữ người Việt lấy chồng người Mỹ. Khi chị ấy kết hôn với người chồng là cựu chiến binh (tham chiến ở chiến trường Việt Nam) về làm công tác nhân đạo tại chiến trường xưa, chuyện tình của họ từng được báo chí Việt Nam kể lại như một sự kết nối có hậu sau chiến tranh.

Rồi họ về Mỹ và sống cuộc sống bình thường như mọi gia đình khác. Nhiều năm sau, mối quan hệ đổ vỡ vì người chồng già nua, bệnh tật, tính nết khó chịu. Trong lúc chờ phán quyết ly hôn, người vợ là phụ nữ nên được ưu tiên ở lại trong ngôi nhà lớn, ông chồng phải đi tìm chỗ ở khác.

Với các quy định luôn bảo vệ phụ nữ của nước Mỹ, người vợ không có gì phải lo lắng sau vụ ly hôn này. Sáu tháng sau, tòa án phán quyết người vợ phải ra khỏi ngôi nhà ấy, không được chồng cũ phụ cấp, đền bù tài chính sau ly hôn.

Lý do của sự đảo ngược bất ngờ này: Tòa án luôn để những lối ngách cho các thẩm phán có lương tâm làm việc đúng với sự thật và diễn biến thực tế.

Sự điều tra của tòa cho thấy, trong thời gian chờ ra tòa, người vợ tiếp tục sống thoải mái trong ngôi nhà cũ, vui vẻ với bạn bè mới, bỏ mặc người chồng già nua và bệnh tật đi tìm một chỗ ở mới trong khó khăn mà không có sự quan tâm, chia sẻ nào. Sự vô tình, bạc bẽo, thiếu tình nghĩa đó không phải lối sống mà xã hội Mỹ ủng hộ. Vì vậy, tòa phán quyết người ra đi tay trắng là người vợ.

Một câu chuyện khác nữa. Mới đây, người dân TP.HCM xôn xao trước vụ một "người chồng tỷ phú” tạt a xít vợ cũ rồi đổ xăng châm lửa tự thiêu sau phiên tòa ly hôn và tranh chấp tài sản 30 tỷ đồng.

Người chồng vì thấm nhuần câu ông bà nói "của chồng công vợ" nên đã tin tưởng để vợ đứng tên tất cả tài sản. Đùng một cái, ở tuổi 60, người vợ đòi ly hôn và nhất quyết thu hồi căn nhà cuối cùng chồng đang trú ngụ, đuổi người chồng cũ ra đường tay trắng.

Người chồng tuyệt vọng, thấy mình đã quá sai lầm khi quyết định gắn bó cuộc đời với một người phụ nữ nhiều dã tâm, cạn tình cạn nghĩa. Cuộc thi hành án quyết liệt đã đẩy người đàn ông khốn khổ đến hành động khủng khiếp như vậy.

Cả những người thi hành pháp luật lẫn dư luận xã hội đều chấp nhận sự cứng nhắc của những điều quy định trong luật, đều thấy thương cảm ông chồng vì dại dột tin yêu vợ mà lâm vào tình cảnh thảm thương.

Luật không chừa "ngách" cho diễn biến thực tế của cuộc sống, nên từ việc chấp nhận tồn tại lối sống không coi trọng tình nghĩa, vô đạo đức của con người đã đẩy đến kết cục vì quẫn trí mà gây nên những vụ án rùng rợn như kể trên. Đó là điều đáng tiếc trước tình cảnh "vàng đá đã tan".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi "vàng đá" đã tan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO