Khắc khoải nhạc Trịnh nơi xứ người

PHAN HÒA BÌNH| 13/04/2018 05:22

Quán cà phê nơi xứ người như chiếc cầu nối dịu dàng với thuở ban đầu, với tuổi thanh xuân thấm đẫm những bản nhạc Trịnh băn khoăn phận người Việt trên đường kiếm tìm tương lai.

Khắc khoải nhạc Trịnh nơi xứ người

Đối với cô, chuyến xe buýt xuyên tiểu bang Texas (Mỹ) hướng về phía thành phố Dallas thật buồn chán. Bên ngoài là phong cảnh đồng khô cỏ cháy và hoang mạc nối tiếp nhìn mãi đã nhàm, trong lòng thì rối bời với tương lai bất định. Cô không thể ngờ có những ngày đi đâu cũng phải cầm theo chai hứng nước dọc đường để uống chứ không dám tiêu phí tiền bạc vào mấy quán thức ăn nhanh, nói gì đến cà phê cà pháo, quán Nhật, quán Hàn thoải mái như những ngày còn ở Việt Nam.

Những bánh xe lăn qua từng ngày chỉ là lăn qua những rối bời. Con đường đến "miền đất hứa" của cô rất bất ngờ. Mẹ cô là công chức, bố là kỹ sư nay đã chuyển ra làm công ty tư nhân quy mô nhỏ và kinh doanh khá thành công. Họ đặt bao kỳ vọng vào cô con gái đầu lòng xinh đẹp, thông minh. Con gái tốt nghiệp đại học ở TP.HCM và muốn qua Mỹ học tiếp.

Biết gia đình không đủ sức lo cho mình du học, cô gái liền tìm kiếm và kết bạn với một Việt kiều ngoài 30 tuổi, khá thành đạt với nghề kỹ sư tin học. Không hứa hẹn gì về chuyện hôn nhân vì cả hai chỉ mới gặp nhau hai tuần lễ và đều tỏ ra là người chín chắn khi nói về cuộc sống gia đình.

Do cần có một người để nương tựa khi mới chân ướt chân ráo qua "đất lạ” nên cô gái đã quyết định chấp nhận "sống thử" (cũng trùng hợp với suy nghĩ của anh bạn Việt kiều) để có cơ hội du học. Thời gian đầu với số tiền mấy trăm triệu đồng của gia đình chu cấp và sự giúp đỡ của bạn trai, cuộc sống của cô cũng tạm ổn. Nhưng việc học kéo dài khiến mọi chi phí trở thành gánh nặng, rồi việc chia tay cuộc "sống thử" khiến cô lâm vào tình cảnh khó khăn tưởng như khó thể vượt qua.

Cô mệt mỏi gỡ tai nghe, cất điện thoại vào túi, nhắm mắt ngủ cho qua chuyến đi dài. Đang mơ màng thì cô nghe thấy tiếng sáo réo rắt, tưởng mình nằm mơ đang ngồi ở quán cà phê nơi quê nhà nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Tiếng sáo cất lên như chào hỏi, thăm dò, rồi càng lúc càng da diết hơn.

Những thanh âm qua tiếng sáo như muốn sẻ chia tâm sự: "Ngoài hiên mưa rơi rơi/ Lòng ai như chơi vơi/ Người ơi nước mắt hoen mi rồi/ Đừng khóc trong đêm mưa/ Đừng than trong câu ca...". Ai đã thổi sáo bài Ướt mi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên chuyến xe toàn người bản xứ này nhỉ? Cô thảng thốt quay lại, bắt gặp đôi mắt một mí ướt át đang nhìn mình.

Bản nhạc Trịnh như đi thẳng vào tim cô trên chuyến xe định mệnh để rồi cô và anh chàng thổi sáo quen nhau, sau đó trở thành vợ chồng như có duyên tiền định. Cuộc hôn nhân đã giúp cô đứng vững nơi xứ lạ với một người đàn ông Việt Nam, một người cũng một đời lang thang đi tìm hỏi hạnh phúc là gì với cây sáo nhỏ.

Khi nhìn thấy cô gái châu Á, gương mặt u buồn ngồi phía trước, anh đã thổi bản nhạc Trịnh để thăm dò. Và cô đã quay lại kiếm tìm, như muốn giới thiệu tôi cũng là người Việt Nam đây. Sau này đôi khi cô thường mỉm cười khẽ hát: "Buồn ơi trong đêm thâu/ Ôm ấp giùm ta nhé/ Người em thương mưa ngâu/ Hay khóc sầu nhân thế”. 

Nhiều năm trôi qua, cuộc sống hôn nhân luôn gói cả hai mặt của cuộc đời: hạnh phúc và gian truân. Nhưng những bản nhạc Trịnh như ám ảnh không rời, thế nên người chồng đã chiều vợ, mở một quán cà phê nhạc Trịnh trên vùng đất ở miền tây nước Mỹ, như chiếc cầu nối dịu dàng với thuở ban đầu, với tuổi thanh xuân thấm đẫm những bản nhạc Trịnh băn khoăn phận người Việt trên đường kiếm tìm tương lai, những bản nhạc giúp họ tìm được nhau, thương yêu nhau rồi nên vợ thành chồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khắc khoải nhạc Trịnh nơi xứ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO