Hy vọng cho tương lai ngành y

BÍCH HỒNG| 14/09/2013 08:23

Ngày khai giảng niên học 2013-2014, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đến Đại học Y khoa Hà Nội dự lễ. Có vài chuyện lạ xảy ra, dù chưa biết có tác động chút nào đến tương lai của ngành y Việt Nam hay không!

Hy vọng cho tương lai ngành y

Ngày khai giảng niên học 2013-2014, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đến Đại học Y khoa Hà Nội dự lễ. Có vài chuyện lạ xảy ra, dù chưa biết có tác động chút nào đến tương lai của ngành y Việt Nam hay không!

Đọc E-paper

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tặng mỗi sinh viên xuất sắc năm học 2012-2013 - mỗi bác sĩ tương lai một ống nghe. Đó là một ý tưởng rất hay nếu như các sinh viên ngành y nhận biết được thông điệp lồng trong đó.

Ống nghe là vật dụng trước đây các bác sĩ luôn đeo trên cổ khi khám bệnh, nhưng nay rất ít thấy, họa may chỉ còn thấy ở các trạm y tế phường, xã, vì ở các bệnh viện lớn, bác sĩ hầu như chỉ ký giấy cho bệnh nhân đi xét nghiệm máu, nước tiểu..., đo điện tim, chụp X quang, và họ chẩn đoán bệnh căn cứ vào kết quả xét nghiệm chứ ít có vị nào tự tay nghe tim, nghe phổi người bệnh.

Lẽ ra đây là hành động bác sĩ nên làm để trực tiếp cảm nhận sức khỏe của bệnh nhân, có dịp nhìn sâu hơn vào cặp mắt lo lắng, trông đợi của họ để đưa ra cách điều trị không chỉ hiệu quả, mà còn tôn trọng tính nhân văn của nghề y bằng cách giúp người bệnh mau hồi phục và ít tốn kém.

Vì thế, khi nhìn thấy các sinh viên xuất sắc nâng niu chiếc ống nghe được tặng, chỉ trông đợi họ luôn sử dụng tặng phẩm quý giá này để minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng trên giảng đường và sự thấu hiểu trái tim con người khi hành nghề.

Một câu chuyện lạ khác tại lễ khai giảng là Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Đại học Y khoa Hà Nội mở ngành kinh tế y khoa và quản trị bệnh viện. Lạ ở chỗ nhu cầu hiển nhiên đến từ thực tế ấy hóa ra chưa bao giờ được các trường y nghĩ tới, trong khi nhiều trường ngoài ngành này đã có khoa quản trị bệnh viện từ mấy năm trước.

Xu thế mới hiện nay trên thế giới là trong một bệnh viện có hai giám đốc với quyền hành tương đương, đó là giám đốc phụ trách chuyên môn, kỹ thuật và giám đốc quản trị, điều hành. Giám đốc quản trị, điều hành là người phải tốt nghiệp đại học khoa quản trị bệnh viện. Các bệnh viện tại Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này.

Trong thực tế nước ta đã có một mạng lưới bệnh viện tư rất phát triển ở các thành phố, và những nơi này là tấm gương phản chiếu trình độ quản trị một cơ sở y tế rất tốt cũng như hoạt động kinh doanh hiệu quả. Tất cả những yếu kém trong quản lý hệ thống bệnh viện công đều bị đổ lỗi cho... quá tải!

Những rối rắm về hành chính trong thanh toán viện phí, phát thuốc, trong quy trình khám, chữa bệnh đều bỏ mặc cho bệnh nhân chờ đợi trong mệt mỏi và đau đớn, chậm được cải tiến cũng do các nhân sự chuyên về quản trị không... vào được hoặc không có ở những nơi này để dọn dẹp bất cập!

Ở bệnh viện tư, một cô y tá khi làm việc phải xưng tên cho bệnh nhân biết và nói rõ hôm nay cô sẽ trực ca, phải thăm hỏi ân cần sức khỏe, việc ăn uống, nghỉ ngơi của người bệnh, phải đưa thuốc tận tay, rót nước, đảm bảo người bệnh dùng đúng số thuốc trong y lệnh của bác sĩ. Những điều giản dị ấy tại sao lại trở thành "xa xỉ”, không thể nào có được ở một bệnh viện công?

Dù sao, những thông điệp cần thiết đã được những người lãnh đạo gửi vào thực tế. Nhưng trách nhiệm của người lãnh đạo không phải chỉ dừng lại ở lời phát biểu, nó phải trở thành một quá trình "xắn tay" vào tháo gỡ, dọn dẹp, mạnh dạn xóa bỏ những ung nhọt tồn tại trong ngành, quyết liệt đặt hàng cho lãnh đạo các bệnh viện tổ chức những mô hình tốt về tinh thần, thái độ phục vụ bằng khoa học quản trị, có thưởng, có phạt, có hỗ trợ chính sách, chứ không phải "chỉ đạo suông" để rồi mọi chuyện đâu lại vào đó. Và chúng ta hãy lại hy vọng một sự đổi mới cho ngành y!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hy vọng cho tương lai ngành y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO