Hội An: Gìn giữ di sản bằng trí tuệ

HỒNG BÍCH| 26/03/2016 06:41

Hội An may mắn khi cùng với tiền, chất xám, những tinh hoa văn hóa về con người cũng đang đổ về.

Hội An: Gìn giữ di sản bằng trí tuệ

Từ cái đô thị nhỏ nghèo nàn và kiệt quệ trong thời bao cấp và nguồn xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Đông Âu đột ngột gián đoạn, ngày nay, mỗi mét vuông đất Hội An được định giá chỗ chục triệu, có chỗ lên đến vài chục triệu đồng mỗi mét vuông. 

Đọc E-paper

Đi theo một tay buôn đất thời đất ngoại ô Hội An lên giá, nhìn những đại gia đình đang sốt ruột xẻ những mảnh đất đã cưu mang nếp sống "tứ đại đồng đường" (nghĩa là bốn thế hệ sống chung một nhà) nay buộc tan rã theo giá đất, nửa buồn nửa vui. Vui vì theo thời đại, lớp trẻ mong muốn sống tự lập, tự dựng nếp nhà cho mình; nghĩ ngợi vì Hội An không giống bất cứ nơi nào, mỗi mét vuông nơi đây đều chứa đựng những ký ức của một di sản văn hóa.

Những ngôi làng ngoại ô vào tay các đại gia ở khắp nơi kéo đến mua đất, xây dựng nhà nghỉ, resort chắc chắn sẽ làm cho làng cũ đẹp bội phần, sạch bội phần, môi trường và vệ sinh cũng mười phần được bảo vệ. Thế nhưng, vẫn nhớ một thời đọc dự án phát triển du lịch, trong dự án xác định bảo vệ nếp sống làng quê của người nông dân các vùng ven phố cổ như một sản phẩm du lịch đặc sắc đang ngày càng khó hơn trước sức mạnh của dòng tiền đầu tư tự phát chảy về.

Nước chảy chỗ trũng, khi mỗi mét vuông di sản đang được trao qua đổi lại từ chủ nhân này sang chủ nhân khác, linh hồn của những ngôi nhà sẽ thay đổi. Nó rất mong manh, nhưng dễ nhận biết.

Một vài khu nhà nghỉ trong cái Tết vừa qua đã cố gắng tô điểm bằng những khu vườn hoa thơm cỏ lạ, nhưng Hội An chỉ thích hợp với những thứ hoa mộc mạc như vạn thọ, cúc, nó đi liền với những loại hình ẩm thực dân dã bản địa.

Tinh thần của nếp sống giản dị đó chỉ có thể được bảo quản bởi nếp sống thanh bạch của người dân quê làm nông. Và chính những bản sắc ấy là giá trị mà những người làm du lịch giỏi luôn tận dụng và bán cho khách rất cao giá.

Nước chảy chỗ trũng, tiền đang đổ về Hội An rất nhiều. Nhưng đô thị cổ này cũng may mắn, cùng với tiền, chất xám, những tinh hoa văn hóa về con người cũng đang đổ về.

Nhiều người nước ngoài đến định cư tại Hội An không chỉ kiếm được tiền mà còn có danh. Một số nghệ sĩ có thể tạo lập được tên tuổi nhờ lấy văn hóa Hội An làm nền tảng để sáng tác. Đó là những thành tựu có thật đáng để suy nghĩ.

Tôi đã từng để ý công việc của một nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp. Anh chụp những bức ảnh người dân Hội An thật tự nhiên, không chút dàn dựng. Anh đến sống với họ mỗi ngày để nhận biết thế nào là tâm hồn, là bản chất cuộc sống nơi đây để tránh tạo ra những khuôn hình hời hợt, những nụ cười diễn viên.

Chất xám cũng chảy về chỗ trũng, hy vọng như vậy khi ngày càng nhiều những nhà văn hóa, những nhà hoạt động vì môi trường về đây sống và đem trí tuệ của họ lan tỏa vào đời sống của lớp trẻ.

Lần đầu tiên trong cả nước, Hội An đi tiên phong với những mô hình "đại học không giảng đường", đó là những lớp học về ứng xử văn minh, tư duy logic cho người trẻ, những thứ Hội An đang mong có ở thế hệ chuẩn bị điều hành và sở hữu di sản văn hóa này. Đó là một "không gian đọc Hội An" mở cửa mỗi ngày Chủ nhật ở công viên, ở bậc thềm một ngôi nhà cổ.

Mục đích sâu xa không chỉ cung cấp sách cho trẻ đọc miễn phí, mà còn rèn cho các em có thói quen đọc sách, đồng thời khuyến khích cha mẹ các em cũng quan tâm đến việc đọc sách. Đó là cách những trí thức ở xa đến cống hiến cho Hội An.

Hy vọng đây sẽ là nền tảng xây đắp để gìn giữ một di sản cũ bằng trí tuệ, chống lại xu hướng thương mại hóa tất cả những gì có thể lấy lãi!

>Vẻ đẹp yên bình của phố cổ Hội An

>Hội An: Bài học "Du lịch có trách nhiệm"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội An: Gìn giữ di sản bằng trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO