Học cách chấp nhận tiếp biến văn hóa

HỒNG BÍCH| 18/06/2016 06:28

Ta không ủng hộ sự biến mất của giá trị truyền thống, nhưng phải chấp nhận tiếp biến văn hóa đang diễn ra quá nhanh như hôm nay. Chưa bao giờ con người chia sẻ với nhau nhiều như thế.

Học cách chấp nhận tiếp biến văn hóa

Ta không ủng hộ sự biến mất của giá trị truyền thống, nhưng phải chấp nhận tiếp biến văn hóa đang diễn ra quá nhanh như hôm nay. Chưa bao giờ con người chia sẻ với nhau nhiều như thế. 

Đọc E-paper

Bạn tôi làm một khu du lịch văn hóa 4 sao. Ở đó, nhà hàng không tổ chức cao lương mỹ vị, cơm Tây, cơm Tàu, mà toàn món đồng quê giản dị được khai thác từ dân gian, món quê kiểng nhưng chỉnh sửa cho hợp khẩu vị du khách bốn phương. Vậy mà mỗi ngày khu này tiếp đón khoảng trên dưới 1.000 du khách đến thưởng thức ẩm thực dân gian.

Tôi nhìn thực khách vui vẻ thưởng thức những món ăn của ngày xưa ấy, và thấy họ thường chụp ảnh rất kỹ, để gửi về nhà khoe những bữa cơm rau dưa mà ngon một cách đáng ngạc nhiên.

Tôi cũng không ngạc nhiên vì sao một cái nhìn bảo thủ trong ẩm thực lại đem đến sự thành công cho người làm du lịch văn hóa. Rồi đây bữa cơm gia đình ngày xưa cũng có thể được bảo tồn, từ tiếng mời chào đầu mâm, đến cách thức sắp xếp chỗ ngồi và tạo không gian gia đình cho khách tham dự.

Tôi nói chuyện đó, và nhà kinh doanh du lịch bạn tôi bảo ý tưởng có khả thi, bởi vì mọi thứ hình thành đều trên đường dẫn đến sự đổi khác và tàn lụi. Mọi nề nếp thói quen đều sẽ đổi thay theo đà phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Chúng ta đang cố gắng duy trì những bữa cơm gia đình với ý nghĩa nó là không gian văn hóa gia đình. Ở đó thể hiện nề nếp, tình thân, sự gắn kết giữa các thành viên, sự gặp gỡ cần thiết giữa cha mẹ và con cái. Và chúng ta đang lo lắng trong bất lực khi bữa cơm ngày càng ngắn gọn trong tiếng nói đơn điệu từ tivi phát ra! Nhưng sự thật đang như thế nào?

Chưa bao giờ con người chia sẻ với nhau nhiều như thế. Tôi nghĩ vậy. Hôm qua hai đứa con tôi đi chơi. Sau một giờ, cô chị gửi một hình ảnh về cho mẹ, thấy em trai đang chơi bida, kèm theo mấy lời nhận xét thú vị. Nói chuyện qua lại vài phút về đứa em đang ngày càng lớn. Và tôi bỗng có nhiều suy nghĩ.

Tôi đã thấy rất nhiều ông bà cụ sử dụng thành thạo máy tính bảng để mỗi ngày nói chuyện qua thoại video cùng con cháu ở xa. Tôi đã xem rất kỹ những chia sẻ giữa cha mẹ và con cái trên mạng xã hội. Và tôi nghĩ rằng sự giao lưu đó có thể còn nhiều và kỹ hơn sự giao lưu trực tiếp trong đời sống.

Từ trường học, công sở, những chuyến đi, cha mẹ và con cái vẫn chia sẻ với nhau những việc đang làm bằng hình ảnh, tin nhắn, bằng gửi trạng thái, suy nghĩ lên mạng xã hội. Thấy một bài viết hay, người mẹ chỉ cần đánh lệnh chia sẻ sang con cái điều mình muốn nói. Người con sẽ đọc tất cả và tranh luận.

Những dấu hiệu yêu thương của thời đại "mạng xã hội" như nụ cười, trái tim hay nỗi buồn lại còn nhiều hơn ở bên cạnh nhau. Thấy những điều cần thiết con cái cũng nhắn tin, chia sẻ, có ý kiến rất thoải mái, bình đẳng. Điều đó làm cha mẹ hiểu con cái hơn, có cách ứng xử bình đẳng lịch sự hơn giữa các thế hệ. Từ những ký hiệu nguyên thủy, con người có tiếng nói, ngôn ngữ. Và nay với công nghệ thông tin, với mạng xã hội, người ta chia sẻ bằng tất cả phương tiện ưa thích, chỉ cần với cái điện thoại kết nối wifi.

Sự thay đổi ta phải chấp nhận, vì cuộc sống vẫn luôn như vậy. Ta chấp nhận ngồi nhà ăn cơm một mình, vừa ăn vừa lướt mạng xem con đang làm việc, đi chơi, yêu đương. Tôi nghĩ, không nên so sánh giá trị hơn thua giữa việc gắp cho con một miếng ngon và gửi cho con một bài viết hữu ích.

Con lớn rồi người Việt Nam ít có thói quen hôn con, nhưng với mạng xã hội thì những biểu tượng nụ hôn, trái tim cha mẹ và con gửi cho nhau nhiều không đếm xiết. Và ngay cả sự tức giận cũng được biểu hiện khá lịch sự, tránh phỉ báng, nhục mạ, một điều dễ xảy ra giữa các thế hệ. Với cách sống này, cha mẹ cũng học được cách tôn trọng sự riêng tư.

Tuy là mạng xã hội, nhưng với nhiều gia đình, các thành viên không lạc nhau trên mạng xã hội, sinh hoạt mỗi ngày, những suy nghĩ buồn vui bất chợt có thể biết kịp thời, không chờ bữa cơm tối nữa, không để câu chuyện buồn bực có thể làm hỏng bữa cơm gia đình.

Ta không ủng hộ sự biến mất của giá trị truyền thống, nhưng phải chấp nhận tiếp biến văn hóa đang diễn ra quá nhanh như hôm nay.

>Câu chuyện về người Nhật

>Nơi đồng tiền lẻ còn nhiều giá trị

>Học cách lựa chọn cuộc sống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học cách chấp nhận tiếp biến văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO