Hai hình ảnh của người thầy

PHAN HÒA BÌNH| 05/08/2018 03:32

Bạn tôi giới thiệu một chỗ bán gà ngon, nuôi ở vùng cao. Sáng ấy, một người đàn ông gọi điện thoại để đến giao số gà tôi đã đặt hàng mà nghe giọng nói tôi đoán anh còn trẻ.

Hai hình ảnh của người thầy

Khi anh đến, thấy anh vất vả đi giao hàng giữa trời nắng, tôi mời nước rồi hỏi thăm: "Em ở đâu?". Hóa ra đó là thầy giáo và hiệu phó của một trường nội trú dành cho trẻ em người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Theo lời anh kể, tôi được biết các mạnh thường quân đã tặng các em một nghìn con gà giống để các em nuôi cải thiện bữa ăn, hoặc bán lấy tiền thêm vào chi phí sinh hoạt.

Khi mùa hè đến, các em về nhà nghỉ hè, để lại bầy gà. Thầy hiệu phó phải mang bầy gà về quê thầy ở miền xuôi tiếp tục chăm sóc, đến ngày xuất chuồng, thầy lại cùng các mạnh thường quân đưa một số gà đến lò mổ, rồi vô bao, chuyên chở đến các địa chỉ của khách hàng ở thành phố.

Thầy sống một cảnh hai quê. Vợ con thầy ở quê miền xuôi, gần thành phố. Thầy dạy hơn mười năm ở vùng cao, mỗi lần muốn chuyển công tác về gần nhà để được gần vợ con, các em học sinh người dân tộc thiểu số lại ôm thầy khóc lóc, năn nỉ thầy ở lại, hết lớp này tới lớp khác.

Để chuẩn bị cho năm học mới của bọn trẻ, thầy phải tích cực chăm gà, "ship gà” ra phố để không phụ lòng hảo tâm của các nhà tài trợ, lại có được khoản kinh phí lớn dùng chăm sóc bọn trẻ. Bầy gà được bán hết khá nhanh qua thông tin từ các nhà tài trợ gà giống, vì lòng người khó lòng khép lại trước hình ảnh người thầy đi "ship gà” khắp thành phố giữa cái nắng đổ lửa của mùa hè. Thầy bán gà giúp học sinh của mình mà tận tâm đến thế sao!

Nhìn theo người thầy giáo trẻ bươn bả giữa trời nắng, tôi không còn thấy tuyệt vọng. Ngành giáo dục đang đối mặt với những tin tức xấu về những thầy giáo tham gia vào "đường dây nâng điểm" trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm nay ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và một số nơi khác.

Đó là những thầy giáo từng dạy ở trường chuyên cho học sinh giỏi, từng bao năm tiếp xúc với những học trò ưu tú, có cuộc sống sung sướng hơn thầy giáo vùng cao kia ngày ngày chăm sóc các học sinh nghèo khó, học tập bình thường, chỉ mong thoát khỏi nạn mù chữ và có chút kiến thức để sống tốt hơn. Có người thầy nhìn thấy nỗi khát khao thu nạp tri thức trong ánh mắt thơ ngây của trẻ và đóng góp tâm sức nhỏ bé để thổi bùng khát khao đó trong các em.

Nhưng thật đáng buồn khi lại có những người thầy bị mờ mắt trước sự cám dỗ của đồng tiền mà không nghĩ rằng mình đang tiếp tay cho những người trẻ không xứng đáng đi tiếp trên con đường học tập thênh thang rồi ngồi vào những vị trí lãnh đạo mà thực học và trí tuệ của họ được xây trên cái nền gian trá.

Hàng triệu phụ huynh đã lắng nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói trên truyền hình về những sai phạm mang tính cá nhân của việc nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia ở Hà Giang, Sơn La và đa số không đồng tình.

Không thể đem đạo đức và nhân phẩm ra để thử thách trước sự cám dỗ của đồng tiền như vậy, rồi sau đó lại đổ cho sai phạm cá nhân. Bởi vì trong tình hình đạo đức xã hội có nhiều vấn đề như hiện nay, không tránh khỏi sẽ có những cá nhân gục ngã trước vật chất và sự chi phối của quyền lực.

Hàng triệu phụ huynh trông chờ vào một kỳ thi công bằng, một cuộc đua vào đời bình đẳng bằng công nghệ kiểm tra chặt chẽ không cho phép có lỗ hổng tạo điều kiện cho những "con sâu" vào đục khoét như vậy. Và thay vì tổ chức những cuộc thi tốn kém và bất ổn như hiện nay, hãy để người trẻ tự do lựa chọn ngôi trường họ muốn học và hãy siết chặt đầu ra tốt nghiệp bằng công nghệ tiên tiến.

Mỗi người thầy đều "lo" cho học trò theo cách của mình. Chỉ là có người sẽ nhận được tiếng chào "thưa thầy" với sự trân trọng và yêu thương, trong khi người khác cúi đầu, không dám dõi theo những đứa học trò được mình nâng điểm để chiếm lấy những vị trí không dành cho mình và làm xấu đi hình ảnh người thầy trong mắt học trò. Xã hội sẽ thế nào khi tinh thần "tôn sư trọng đạo" ngày càng mai một mà nguyên nhân lại từ chính những người thầy không biết "giữ mình"?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai hình ảnh của người thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO