Giáo dục chỉ là câu chuyện riêng?

HỒNG BÍCH| 02/01/2016 01:54

Dõi theo tất cả những cải cách giáo dục và thi cử có thể thấy, đầu tư giáo dục vẫn chỉ là chuyện riêng của từng gia đình chứ không phải chuyện xã hội.

Giáo dục chỉ là câu chuyện riêng?

Câu chuyện cà phê sáng của những phụ nữ có con vào độ tuổi trưởng thành không khỏi nhuốm những bùi ngùi, tựa như họ mới trải qua những công trình vượt quá sức mình khi nhìn lại chặng đường đầu tư ăn học.  

Đọc E-paper

Con học kém đã khổ, có con "gà nòi" càng khổ hơn, một chị nhận xét. Với một đứa trẻ thông minh, cha mẹ không quản khó nhọc cùng con một hành trình luyện từ giữa bậc tiểu học. Một đứa trẻ tám tuổi phải đi luyện toán vào cái giờ nhá nhem suất 5 - 7 giờ tối mỗi ngày là chuyện bình thường, để lại sau lưng những cha mẹ với chiếc xe máy kiên nhẫn đợi chờ trong dòng người hối hả bơ phờ về nhà mỗi tối. Kết luận lại ai nấy đều ước kiếm đủ tiền để con có thể ra nước ngoài học tập.

Câu chuyện cũ mèm, nhưng ngạc nhiên là sau bao nhiêu cải cách giáo dục, mục tiêu cải cách vẫn chưa chạm được vào ước vọng của mỗi gia đình. Đó là mục đích giải phóng những đứa trẻ khỏi áp lực học thêm là học chính, học ở trường chỉ là phụ khi nhắm tới mục đích vào đại học; giải phóng khỏi lối "cày kiến thức" như sống trong "chiến dịch" của những gia đình có con chuẩn bị thi đại học.

Một chị kể, khi con bắt đầu vào lớp 12, sau khi thống nhất tên ngành chọn thi, con chị theo học thêm và học kèm suốt ngày. Còn chị làm một hành trình xuyên Việt, đến ba ngôi chùa và đền nổi tiếng nhất trong nước thắp hương cầu khấn con học thành tài, cụ thể là thi đậu đại học.

Tuy nhiên, dõi theo tất cả những cải cách giáo dục và thi cử có thể thấy đầu tư giáo dục vẫn chỉ là chuyện riêng của từng gia đình chứ không phải chuyện xã hội. Bởi những thông tin giáo dục hàng đầu vẫn là cải cách thi tuyển, cải cách hình thức và thủ tục hành chính trên con đường vào đại học của thí sinh, không nhắm tới mục tiêu giảm tải kiến thức, nâng cao rèn luyện thể chất và kỹ năng sống.

Trong khi đó, với các phụ huynh trẻ hơn, họ đang ôm ấp giấc mơ nuôi và giáo dục con thành người có văn hóa Nhật Bản, văn hóa Mỹ, hay ít ra còn giữ được truyền thống như văn hóa Hàn Quốc giống các bộ phim họ xem trên truyền hình. Và những đứa bé nay cũng quần quật với các lớp ngoại ngữ, tiếng Nhật, tiếng Anh ở bậc tiểu học, vào những ngày cuối tuần.

Và một điều đến vô lý nhưng vẫn là có lý với thực tế bố mẹ những đứa trẻ vẫn mong muốn con mình thành người có phong cách văn hóa Nhật, có kỷ luật, chịu được áp lực và sống có lý tưởng như là một tiền đề thành công trong xã hội Việt. Hiện nay, những lớp mầm non, tiểu học bắt đầu được một số dự án nước ngoài tham gia, nhằm phổ biến văn hóa đáp ứng yêu cầu hướng ngoại của các phụ huynh trẻ.

Chúng ta đã từng thừa nhận làn sóng "tị nạn giáo dục", tức du học nước ngoài ở bậc đại học, cao học. Trong tương lai, liệu có xảy ra xu hướng "tị nạn văn hóa" khi phụ huynh tự xử tương lai của con em họ bằng cách đầu tư cho con học trong môi trường văn hóa mới được du nhập, từ ngoại ngữ đến văn hóa, phong tục, ẩm thực, phát triển tư duy?

Không ai phản đối điều này, bởi vì bối cảnh xã hội đang có quá nhiều những bất cập về phát triển, giáo dục trong nước quá lúng túng khi xã hội ta thán về chất lượng sản phẩm con người.

>Sự học đã không còn quan trọng?

>Người trẻ loay hoay giữa các giá trị

>Chạy trốn giấc mơ thần đồng

>Văn minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giáo dục chỉ là câu chuyện riêng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO