Giá trị của thật và ảo

HỒNG BÍCH| 26/07/2015 06:42

Thật và ảo, chìm và nổi đều là những giá trị. Càng hiểu rõ nó, xã hội càng văn minh.

Giá trị của thật và ảo

Gia đình tôi, bốn người thì đã ba người dùng sản phẩm của Apple. Từ iPhone đến iPad và laptop, nhất nhất đều như vậy.

Đọc E-paper

Vì nhiều lý do, chúng tôi dính vào sản phẩm của Apple, và sau đó tôi nghe người ta nói, đã dùng iPhone là không muốn dùng sản phẩm của hãng khác. Mỗi lần cần mua sắm một điện thoại hoặc laptop mới, có người lại nhắc: "Đã dùng của Apple rồi, giờ không thể dùng loại khác!".

Chẳng khác nào bị cầm tù vào một thương hiệu, một hệ điều hành. Nếu có thay đổi thì 81% người dùng iPhone muốn vươn lên, muốn thay những thế hệ máy mới chứ nhất định không chuyển sang thương hiệu khác. Thực trạng này không phải người viết bài phỏng đoán, mà là kết quả khảo sát được công bố của Tổ chức Consumer Intelligence Research Partners về người tiêu dùng.

Đây là thắng lợi trên thị trường của một thương hiệu nổi tiếng khi tạo ra huyền thoại cho một sản phẩm thông qua sự hoàn hảo trong sản phẩm và dịch vụ. Họ tạo ra thị trường chứ không phải điều ngược lại, với xuất phát điểm từ chủ nghĩa duy mỹ của vị CEO huyền thoại Steve Jobs.

Từ chuyện nói đùa bị Apple "cầm tù" bỗng nhớ chuyện thi hoa hậu của các cô gái trẻ. Nếu bạn có đứa con gái xinh đẹp, đôi khi bạn cũng manh tâm suy nghĩ vẩn vơ, nếu cái nhan sắc kia được khẳng định bằng một sự công nhận chính thống nào đó, thì nó không chỉ thỏa mãn cái tự ái của các bà mẹ, nó còn thỏa mãn nhiều thứ khác trong cuộc sống. Nhu cầu đó đã làm nảy sinh các công ty đào tạo người mẫu, hoa khôi.

Một cô gái trẻ chỉ cần một lần đi thi nhan sắc, dù chỉ là chuyện "thi chơi" ở phường, thì cô ấy và gia đình đã chính thức bị nhan sắc "cầm tù". Đến lúc thi có danh hiệu hoa khôi, hoa hậu thì coi như "tù chung thân" trước cái nhìn soi mói của thế gian. Cô gái ngủ trên máy bay thế nào, tối hôm qua đi chơi với đại gia nào đều được mạng lưới "fan cuồng" tường thuật đầy đủ.

Và cũng giống như hãng Apple phải tung ra một sản phẩm tầm trung nhằm tạo ra một lượng mới người sử dụng lần đầu, các "trai xinh - gái đẹp", các ngôi sao thật và giả cũng phải "xả hàng". Ví dụ như nữ hoàng giải trí trước cuộc ly hôn viết tâm thư cho con trai nhưng lại gửi cho các trang tin mạng đăng.

Chỉ vì chuyện một giọng ca "kẹo kéo đường phố”, hai ngôi sao ca nhạc lên mạng cố kéo dài cuộc đấu khẩu đến mấy tuần, cốt hâm nóng tên tuổi. Họ thật sự bị cầm tù trong danh tiếng, say mê nó, bất chấp nó là môi trường lành mạnh hay không cho xã hội.

Và họ vô tình hay cố ý, dẫn đường cho lớp trẻ lối sống chụp giật, đi trong bùn lầy tô vẽ hình ảnh hoa sen. Đêm đêm, hàng ngàn lượt người trẻ vào ra bình luận, đấu khẩu hộ cho thần tượng, nhục mạ đối thủ, chửi bới người không cùng chính kiến.

Dường như họ không biết rằng mình đang mất một khoảng thời gian quý giá trong đời vào những mục tiêu hư danh và vô phương hướng như thế.

Người tiêu dùng Việt Nam, dù là tiêu dùng một sản phẩm vật chất, tinh thần hay giải trí đều chưa có ý thức cao về giá trị thật và giá trị ảo. Ngay với iPhone, đa số người mua hàng chi trả cho "sự sành điệu" là chính chứ không phải tính năng.

Bao nhiêu người sử dụng hàng ngoại nhập cho giống người sành điệu và công dân toàn cầu có ý thức tìm hiểu giá trị thật - ảo của món hàng họ sử dụng? Bao nhiêu người háo hức mua hàng khuyến mãi "khủng" ở siêu thị không hề nghĩ nhà sản xuất và lương nhân viên đang bị o ép giá trị sức lao động?...

Thật và ảo, chìm và nổi đều là những giá trị. Càng hiểu rõ nó, xã hội càng văn minh.

>Duyên ảo

>Điện thoại thông minh

>Sành điệu thật không?

>Mạng ảo xã hội, tấm gương phản chiếu thật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá trị của thật và ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO