Gia đình Nhật Bản của tôi

TRẦN SONG BÌNH DƯƠNG| 29/05/2014 07:11

Năm 1998, lần đầu tiên làm hướng dẫn viên tiếng Nhật, tôi được đón ông bà Tezuka. 16 năm sau, nhân duyên cho tôi được gọi Otousan và Okaasan là ba má của mình...

Gia đình Nhật Bản của tôi

Hè năm 1998, lần đầu tiên đảm nhận công việc hướng dẫn viên tiếng Nhật sau khi tốt nghiệp, tôi được đón vợ chồng ông bà có tên họ là Tezuka du lịch Việt Nam. Để đến bây giờ sau 16 năm duy trì mối thâm tình này, nhân duyên cho tôi được gọi họ là Otousan và Okaasan là ba má của mình...

Đọc E-paper

Hình ảnh Việt Nam tràn ngập căn phòng của ông bà Tezuka

Ông nguyên là trưởng bộ phận thiết kế chương trình tour cho một hãng lữ hành lớn của Nhật. Nhờ uy tín của mình, ông được một trường đại học công lập ở Gumma mời về giảng dạy. Và, trước khi nhận lời, ông đã cùng vợ quyết định sang tham quan Việt Nam để bổ sung thêm vốn hiểu biết về ngành mình sắp giảng dạy cho sinh viên.

Bà là một nữ y tá làm việc cần mẫn cho một bệnh viện công ở Gumma và cho đến bây giờ, dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn miệt mài công việc tại một phòng khám chuyên khoa. Ông bà không có con, ông vẫn hay đùa với tôi rằng: "Vì áp lực công việc chung nên vợ chồng ông quyết định không sinh con để toàn tâm phấn đấu cho sự nghiệp chứ không phải không sinh con được".

Ông còn nói nhiều lần làm tôi vô cùng cảm động: "Hơn nữa, tiền duyên biết được sẽ có con gái ở Việt Nam nên không cần bận lòng chuyện sinh đẻ!".

Ba mẹ người Nhật coi tôi như con gái. Những lá thư đều đặn hằng tháng gửi sang Việt Nam những hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc, lo lắng cho gia đình riêng bé nhỏ tôi bị ảnh hưởng vì áp lực về thời gian khi tôi phải làm trong môi trường công ty Nhật.

Mỗi dịp sinh nhật của mỗi thành viên gia đình, ông bà đều cẩn thận gửi quà. Điều kỳ lạ là dù xa xôi cách trở, thỉnh thoảng vì sự xáo trộn công tác ảnh hưởng đến gia đình, người tôi có thể tâm sự, chia sẻ thực lòng không ai khác là Otousan đáng kính.

Nhưng, do sự giáo dục của người Việt, tôi sợ bị mang tiếng là lợi dụng tình cảm nên vẫn có khoảng cách chưa vượt qua. Thế nên, tôi chưa bao giờ đến thăm tư gia ông bà. Mỗi chuyến công tác của tôi sang Nhật đều được ông bà ghé đến tận khách sạn thăm hỏi, đưa đi thăm các kiến trúc di tích, trò chuyện thân tình về thời cuộc, về quốc gia mình, môi trường làm việc hiện tại.

Điều kỳ lạ là ba mẹ người Nhật vô cùng quan tâm các thành viên trong gia đình tôi có thực sự cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với nhau không.

Năm ngoái, khi thấy mái đầu bạc trắng và dáng đi có phần yếu ớt của ông, tôi nhận ra mình đã nhận quá nhiều so với cái mình đã cho đi. Thế là sau đúng 16 năm, lần này tôi theo Otousan về thăm gia đình tại Gumma, Nhật Bản.

Đến sân bay Narita lúc 8 giờ sáng, tôi vội vã đón xe bus và ngồi gần 3 tiếng đồng hồ để tới ga Takasaki, nơi có ba tôi thấp thỏm đợi từ lúc sáng. Lúc nhìn thấy ông, cũng mái đầu và chòm râu bạc trắng ấy, dáng vẻ hiền từ, nhân hậu ấy, tôi xúc động vô cùng!

Xe dừng lại trước ngôi nhà lợp ngói cổ nằm lọt thỏm giữa đồng lúa mạch và hoa cỏ, tôi lòng xúc động trào dâng. Cả một Việt Nam thu nhỏ từ tượng Quan Âm mua ở núi Ngũ Hành, đến bộ bàn ghế chạm hoa văn cầu kỳ mua ở đô thị cố Hội An, hay từng chiếc nón lá, các quà tặng của tôi và gia đình, ông bà cẩn trọng đặt ở phòng khách trông thật ấm cúng.

Và, điều khiến tôi xúc động nhất là bên cạnh bàn làm việc của mình, trên tường dán tất cả địa chỉ nhà nơi tôi đã từng ở. Những mốc quan trọng ngày tôi sinh con hay tôi bị phẫu thuật, ông đều ghi chép cẩn thận để nhớ mà chúc mừng...

Suốt cả buổi chiều, đi dạo trong công viên, ông luôn nhắc nhở tôi phải lo cho gia đình riêng hơn nữa, hãy lo cho bản thân thêm chút nữa, hãy quan tâm đến chồng mình bất kể khi nào có thể...

Lại một món nợ ân tình nữa trong cuộc đời tôi được đón nhận và tự hứa rằng: Sẽ luôn trân trọng tình cảm quý báu này, sẽ sống hết mình để giữ hình ảnh thân thiện của con người Việt Nam trong mắt ông bà - nơi tình hữu hảo được chắp cánh không riêng cho tôi, mà cho cả đất nước tôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia đình Nhật Bản của tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO