Gia đình, bạn bè và đất nước

PHƯƠNG QUYÊN| 12/07/2012 05:57

Khi đất nước cần, nhiệm vụ phục vụ Tổ quốc là điều mà nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ở cái tuổi bát tuần, thứ tự ưu tiên của bà thể hiện rất rõ trong tựa của cuốn hồi ký vừa xuất bản: Gia đình, bạn bè và đất nước.

Gia đình, bạn bè và đất nước

Khi đất nước cần, nhiệm vụ phục vụ Tổ quốc là điều mà nguyên Phó chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris Nguyễn Thị Bình đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ở cái tuổi bát tuần, thứ tự ưu tiên của bà thể hiện rất rõ trong tựa của cuốn hồi ký vừa xuất bản: Gia đình, bạn bè và đất nước.

Đọc E-paper

Khán phòng nhà sách eBook Phương Nam sáng ngày 3/7 không còn chỗ trống. Có lẽ, đây là lần đầu tiên khu thương mại hiện đại Vincom đón chân nhiều khách cao tuổi đến tham quan. Sức hút của cái tên Nguyễn Thị Bình và sự yêu mến bà đã đưa những “bô lão” đến không gian hiện đại này để được nghe người của ký ức kể chuyện, để được hiểu hơn về những dòng hồi ký mà bà đã viết nên.

Chuyện của người “nhiều bạn bè nhất thế giới”

Gần 400 trang sách kèm tư liệu là một cố gắng không nhỏ của một người đã lớn tuổi như bà Nguyễn Thị Bình. Nếu như chờ đợi những tiết lộ mới về chính trường những ngày bà còn tại vị, người xem sẽ thất vọng.

Bởi, đúng như tên gọi, hồi ký của bà là những câu chuyện về gia đình, về bạn bè và về những trăn trở dành cho đất nước. Cách viết đơn giản, thuần kể chuyện, nhưng mỗi phần lại có điểm hấp dẫn riêng cho từng độc giả.

Người từng quen biết và làm việc cùng bà sẽ thú vị khi biết về quá khứ, tuổi thơ của người Việt Nam có “nhiều bạn bè nhất thế giới”, theo lời của nhà văn Nguyên Ngọc. Độc giả trẻ thì nhận được những bất ngờ về những sự kiện lịch sử theo cách nói thật gần gũi của người trong cuộc, còn những người kế thừa vị trí của bà ngày trước lại nhận được những “đơn đặt hàng” của người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, đối tượng bạn đọc nào cũng khó ngăn được xúc động khi nghe bà kể chuyện khó của một người phụ nữ làm cách mạng. Bà viết: “Từ hai tuổi, các con tôi đã phải đi nhà trẻ... Khi chúng lớn hơn, tôi phải đi vắng hằng năm, phải gửi Thắng và Mai cho trường nội trú... Đi công tác xa, nghe tin bom đạn rơi gần chỗ con ở, tôi lo lắng đến thắt lòng, thương các con vô cùng. Đất nước bị chia cắt, tôi cảm thông sâu sắc với các anh, các chị phải xa con đằng đẵng, khiến chúng thiếu tình thương và sự dạy dỗ cần thiết...”.

Tuy nhiên, khi nói về khó khăn của mình, bà khiêm tốn chia sẻ: “Đó là sự hy sinh nhưng là hy sinh nhỏ. Tôi phải tự giải quyết tư tưởng của mình. Tôi nghĩ, khi làm việc tốt là thương con”.

Khẩu khí và duyên dáng

Đến với buổi giao lưu, “quà tặng” bạn đọc được nhận chính là những câu chuyện không nằm trong hồi ký của bà, mà qua lời kể của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, của GS. Chu Hảo, TS. Trần Văn Khê, nhà văn Nguyên Ngọc...

Đó là chuyện lọ nước hoa bà xức trước khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac “thơm” lên tay mình, là lời đùa ý nhị trên bàn đàm phán với Tổng thống Pháp và chuyện bà mang âm nhạc dân tộc đến để mở lòng với bạn bè ngoại giao quốc tế...

Tất cả, làm đậm thêm hình ảnh của một người, theo nhận xét của bà Tôn Nữ Thị Ninh, là khẩu khí và duyên dáng. “Khi viết hồi ký của mình, tôi sẽ dành để nói về sức mạnh từ khẩu khí của một người phụ nữ Việt Nam, Nguyễn Thị Bình”, bà Ninh cho biết.

Dẫu đã hơn 10 năm bà được nghỉ ngơi theo chế độ của Nhà nước, nhưng những trăn trở của bà về nền giáo dục của nước nhà vẫn chưa bao giờ được bà tạm gác. Bà tâm sự: “Tôi thật sự trăn trở về sự nghiệp giáo dục của chúng ta hiện nay. Nền giáo dục của chúng ta còn phải cải tiến nhiều hơn nữa và có những vướng mắc mà những người trong cuộc đều biết nhưng chưa thể giải tỏa”.

Sát cánh cùng bà, GS. Chu Hảo cho biết, từ năm 2005 đến nay, bà Bình đã tập hợp những ý kiến của các chuyên gia, kiến nghị những chính sách cụ thể cho ngành giáo dục nước nhà, bởi với bà, vấn đề quan trọng nhất của một quốc gia là phải có một nền giáo dục hoàn chỉnh.

Tuy bà cùng các đồng sự vẫn chưa nhận được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng chưa bao giờ người phụ nữ này có ý định bỏ cuộc. “Tôi sẽ làm hết sức của mình để có thể tác động và phát triển lĩnh vực giáo dục”, bà Bình chia sẻ.

Sức mạnh của niềm tin

“Những ngày cùng đất nước đấu tranh, tôi không hổ thẹn vì đã làm hết sức mình. Sự cố gắng của tôi xuất phát từ lòng yêu nước, nhưng tạo cho tôi sức mạnh để dấn thân chính là niềm tin.
Viết hồi ký, tôi có nói về những tâm tư của mình về đất nước trong giai đoạn mới. Chúng ta đang đứng trước khó khăn quá lớn: bước tiến chưa vững bền, xã hội còn quá nhiều bất công. Trong bức tranh an ninh, đất nước cũng còn đang đứng trước những thử thách lớn. Do vậy, để đất nước phát triển và tự chủ, chúng ta phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Lo lắng nhưng cũng như ngày trước, tôi vẫn có một niềm tin là truyền thống và sức mạnh của người Việt sẽ lại giúp chúng ta làm tốt và đất nước chúng ta sẽ lại vượt qua khó khăn”.

Nguyễn Thị Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia đình, bạn bè và đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO