Đừng mải mê "selfie" ở Sa Pa

PHAN HÒA BÌNH| 04/06/2017 06:29

Đến Sa Pa để làm gì? Chính là để chiêm ngắm một Sa Pa trứ danh mang bản sắc hoang dã, những con người cần mẫn lên nương lên rẫy trong đêm chưa tan...

Đừng mải mê

Sa Pa đón chúng tôi trong chuyến đi nghỉ hè sớm bằng sự kỳ quặc của thời biến đổi khí hậu.

Đọc E-paper

Đáng lẽ thời điểm này nắng đã vàng như mật ong, vậy nhưng sương mù buổi sớm lại cố thủ khá lâu dưới thung lũng. Và từ làn sương mờ lạnh giữa hè này, đi tới đâu bạn cũng nghe những đứa trẻ bán hàng rong hỏi: "Bác không mua hàng lưu niệm à, thế bác đến đây để làm gì?".

Chúng cần mẫn quẩn quanh bên khách du lịch, chờ đợi họ uể oải dùng bữa sáng trong sự ngái ngủ, chờ đợi họ chụp ảnh "selfie" như không bao giờ ngừng lại, rồi còn phải chờ họ đưa hình lên Facebook, phải chụp ảnh chung với họ, cuối cùng mới có thể bán được vài món hàng, và cũng có khi không bán được gì.

Chúng tôi cũng rất khó trả lời câu hỏi "Nếu không mua hàng lưu niệm thì đến đây để làm gì?". Không ai có thể trả lời "phũ phàng" rằng những cái vòng bạc, những chiếc khăn thổ cẩm không có gì hấp dẫn. Không ai nỡ nói rằng họ đến đây chỉ để đi tìm những dãy núi mờ sương, ngắm cuộc sống giản dị của người vùng cao và muốn ăn những bữa ăn với thực phẩm sạch tươi nguyên chứ không phải những đĩa su su nhập từ đâu đó bán trong những quán ăn bát nháo, lộn xộn mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch kiểu cố đi một lần cho biết Sa Pa.

Có lẽ càng về sau này Sa Pa càng mất đi sức hấp dẫn. Chúng tôi không gặp may khi được "chiêm ngưỡng" một thị trấn bình dị trở thành công trường xây dựng ngổn ngang. Cái không khí trong phố rất giống một quán ăn bình dân cho bữa trưa của công chức nghèo, rất đông, rất vội và rất tạm bợ. Mọi thứ đều tạm bợ để lấy tiền.

Du khách có quyền nghĩ vậy khi họ đi qua những con phố xây dựng vội vàng cốt nhanh hoàn thành để đưa khách vào ở. Ô tô du lịch chen chúc đậu khắp nơi trong giờ cao điểm đưa khách về ăn trưa, ăn chiều, làm cho cả thành phố nhỏ này như ngạt thở.

Sau bữa cơm trưa, cả thành phố lại rùng rùng theo tour đi cáp treo lên nóc nhà Đông Dương, bỏ lại những em bé bán hàng ngơ ngác trên phố, chúng rúc vào các mái hiên để tránh nắng và vô tư cười đùa, chờ tới thời điểm làm ăn khi chiều buông xuống.

Ảnh:Cuộc thi ảnh Tự hào Hàng Việt do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức

Chỉ đến tận sáng hôm sau, sau một đêm thật ngon giấc trong cái tĩnh lặng của núi rừng, mở bừng mắt nhìn làn sương mù bò vào tận hiên nhà thì có lẽ nhiều người đã trả lời được câu hỏi họ đến đây để làm gì. Chính là để chiêm ngắm một Sa Pa trứ danh mang bản sắc hoang dã, những con người cần mẫn lên nương lên rẫy trong đêm chưa tan, những khách sạn cổ có những giàn hoa bé li ti, con dốc quanh co sáng sớm chưa ùn ùn dòng người đi lại. Để nhớ một buổi sáng ngửi thấy mùi hương của núi rừng thoảng đến quấn quýt quanh ly cà phê nơi góc chợ, và ngắm một em bé đang ngủ vùi sau lưng mẹ vì nhà nó lo đi chợ sớm.

Nhìn những giỏ khoai, sắn, su su tươi dưới bản, những cây cỏ dùng làm dược liệu của người miền núi, món thắng cố bốc khói giữa chợ, người chồng say nằm vắt vẻo trên lưng ngựa về nhà, người vợ đi trước, vừa đi vừa tiếp tục may vá, thêu thùa nơi lưng chừng núi là cảnh tượng không đâu có.

Cuộc sống ấy kéo người ta đến Sa Pa nhiều lần không chán, ngắm người Hmông, người Nùng múa hát, thổi khèn mãi vẫn thích, sao có thể chỉ đi một lần để ngắm ruộng bậc thang mùa nước đổ, mùa lúa bắt đầu chín.

Nhưng làm sao để trả lời những em bé đang mưu sinh với những đồng tiền lẻ kiếm được bên cạnh thiên nhiên tươi đẹp của quê hương, bên cạnh những dự án du lịch hoặc hoành tráng, hoặc ngắn hạn đang phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và văn hóa nơi này?

Có người nhắn chúng tôi, nếu bạn cứ mua hàng của mấy đứa nhỏ thì đó là cách bạn đẩy chúng ra khỏi trường học, đi kiếm sống ngoài đường, ngoài chợ. Tôi không nghĩ thế, đi học hay đi kiếm miếng ăn cho gia đình, bản thân đều là những nhu cầu bức thiết cuộc sống đặt ra. Vấn đề là mỗi người khách du lịch đến đây đừng đặt ra những đạo lý mang tầm dài hạn, mà hãy nghĩ tại sao cuộc sống của những chủ nhân của tài nguyên thiên nhiên này không mấy thay đổi kể từ khi du lịch văn hóa phát triển đến tận từng bản làng heo hút.

Xin đừng mải mê "selfie" ở Sa Pa mà hãy nhìn vào ánh mắt hy vọng của những em bé bán hàng!

>>Những đứa trẻ của di sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng mải mê "selfie" ở Sa Pa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO