Du học - cuộc đầu tư may rủi

HỒNG BÍCH| 14/06/2015 00:58

Câu chuyện giữa người nuôi mộng đưa con du học với người đang nuôi con du học nước ngoài dường như chưa bao giờ thay đổi nội dung. Mỗi năm phải chi bao nhiêu tiền.

Du học - cuộc đầu tư may rủi

Câu chuyện giữa người nuôi mộng đưa con du học với người đang nuôi con du học nước ngoài dường như chưa bao giờ thay đổi nội dung. Mỗi năm phải chi bao nhiêu tiền.

Đoc E-paper

Câu trả lời luôn là không nhiều lắm, cháu nó sang đấy đã kiếm việc làm thêm, đi suốt ngày, năng động khác hẳn hồi ở nhà. Miên man chuyện đi làm thêm, chuyện ở lại sau khi tốt nghiệp. Nhưng thật sự đã lên kế hoạch đưa con du học nước ngài, không thể có một mục đích trừu tượng, mà phải hoàn toàn cụ thể.

Dù không nói ra, nhưng tất cả các gia đình đều mong muốn cuối chặng đường du học, người con sẽ trưởng thành với vị thế công dân toàn cầu, từ hội nhập văn hóa đến thành đạt về vị thế xã hội thông qua công việc và bảng lương, thông qua số lượng vé máy bay di chuyển hằng năm và nhiều tiêu chuẩn khác. Nói chung mẫu số thành công khá khác nhau.

Một trong những khách sạn hạng vừa tại New York vào lúc 4 giờ sáng, khách ra sân bay thường được đón bởi một thanh niên châu Á, mặt sáng, tác phong nhanh nhẹn. Khách thường "bo" thêm cho tài xế này vài đô lẻ.

Họ hoàn toàn không biết tài xế này là sinh viên đi du học và làm thêm, nhưng anh ta là con trai của một đại gia ngành gỗ Việt Nam. Tại sao phải làm thêm vất vả thu nhập thêm tiền lẻ khi món tiền chi trả cho việc học tập tại Mỹ mỗi năm đã lên đến nhiều chục ngàn đô la hoàn toàn do gia đình tài trợ?

Tại Amsterdam (Hà Lan), có hai sinh viên vừa nhập học năm đầu. Chỉ sau một tuần nhập học, căn cứ vào chính sách cho phép làm thêm của trường, hai chị em tìm kiếm việc làm ngay. Mỗi ngày bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm, vừa học ở trường, vừa đi làm thêm là quá sức ngay cả với những thanh niên châu Âu to khỏe.

Nhưng họ vẫn cần mẫn phụ việc tại một quán cà phê đông khách, sau nửa năm đã nắm vững ngón nghề pha bảy loại cà phê theo "gu" châu Âu. Ông chủ quán thích cậu thanh niên châu Á chăm chỉ, làm hết những việc mà một người phụ việc bản xứ không muốn làm nên dần dần giao cả việc phụ ông chủ quản lý, điều hành quán.

Không ai biết gia đình của hai sinh viên này sở hữu nhiều khu nghỉ mát cao cấp, dịch vụ đa dạng, tại các bãi biển nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam. Trường đại học họ đăng ký theo học là trường nổi tiếng và đắt đỏ nhất Hà Lan.

Làm thêm bất cứ việc gì nhỏ nhặt, rồi lại tham gia lập các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ các tân sinh viên Việt Nam khác mới ra nước ngoài là việc làm của nhiều sinh viên gia đình có điều kiện. Hiện tượng đó nói lên điều gì? Cũng chỉ là một quan điểm sống và học!

Ở các bang đông người Việt sinh sống tại Mỹ, hoặc các nước gần Việt Nam như Singapore, không thiếu những nhóm sinh viên Việt sống quần tụ, thuê chung nhà, đi làm thêm chung chỗ, mà đa phần là làm thuê cho người Việt, nên dù đã ra nước ngoài thì vẫn sống trong bầu không khí văn hóa Việt.

Nhưng cũng có những nhóm "con ông cháu cha" bên nhà gửi sang để tu nghiệp, nhưng họ không mấy quan tâm học hành, bài vở có người khác lo, ăn chơi có người hộ tống, chỉ vẽ.

Mỗi bạn trẻ đều có lý do để chọn cách học tập, cách sống thích hợp khi ra nước ngoài du học. Có sinh viên luôn được cung ứng đầy đủ tiền sinh hoạt, việc đi làm thêm không phải để kiếm tiền, hay nói một cách lý thuyết là để các công tử, tiểu thư biết giá trị của mồ hôi.

Không phải như vậy, họ học tập và sẵn sàng đổ mồ hôi trải nghiệm theo một lý thuyết học tất cả những việc nhỏ để có khả năng quản lý tốt sau này, là để tiếp cận với một ngành dịch vụ mà gia đình đang kinh doanh ở quê nhà.

Tuy vậy, các bậc phụ huynh cũng sẽ phải đối mặt với sự thay đổi chí hướng của các con, khi những người trẻ ra nước ngoài và bước ngoặt vào con đường khác. Một phụ huynh kể, sau hai năm đầu chuẩn bị mất thời gian và tốn kém để theo ngành kinh doanh, đến năm thứ ba, con trai chị bỗng muốn theo đuổi về triết học.

Mà người Việt mình ai nghe nói đổ tiền tỷ cho con du học Mỹ mà nó theo triết học thì ai cũng ngán ngẩm lắc đầu tội nghiệp cho cha mẹ đã rủi ro khi đầu tư. Đó chỉ là quan điểm riêng, bởi cuộc đời còn dài, sự đầu tư cho một con người cần đến năm mươi, bảy mươi năm thẩm định.

Thế nhưng cứ thấy người trẻ tuổi nào du học bằng tiền gia đình mà theo các ngành xã hội là bị dư luận dè bỉu chê bai, đâu biết quan niệm ấy là lạc hậu đối với thế giới.

Rủi ro hay không khi đầu tư cho cuộc đời và sự nghiệp con người, cũng chỉ là cách nghĩ!...

>Tuổi trẻ trả giá

>"Nụ hôn đắng" của bằng đại học

>Phải khổ mới nên người?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du học - cuộc đầu tư may rủi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO