Đối mặt với văn hóa mạng

KHẢI LY| 14/05/2016 06:44

Gần đây, tham dự những buổi nói chuyện về văn hóa đọc của GS. Chu Hảo (nguyên Giám đốc NXB Tri Thức), nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên dành cho sinh viên, học sinh, thấy nỗ lực của Ban tổ chức như rơi vào vô vọng, số sinh viên đến nghe quá ít.

Đối mặt với văn hóa mạng

Gần đây, tham dự những buổi nói chuyện về văn hóa đọc của GS. Chu Hảo (nguyên Giám đốc NXB Tri Thức), nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên dành cho sinh viên, học sinh, thấy nỗ lực của Ban tổ chức như rơi vào vô vọng, số sinh viên đến nghe quá ít. 

Đọc E-paper

Lại nhớ những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, có hôm chúng tôi tham dự buổi nói chuyện của nhà thơ Xuân Diệu, hội trường 300 chỗ mà phải chứa gần một nghìn người, họ đến chỉ để một lần được gặp mặt người đã viết nên những câu thơ chạm được vào trái tim mình.

Ai cũng thuộc thơ ông, dường như bao trái tim tan vỡ đã được an ủi bởi những bài thơ tình của Xuân Diệu. Ngày ấy, nếu không có điều kiện mua sách, người ta sẽ đến thư viện đọc, cho nhau mượn sách, thậm chí dành quyển sổ đẹp nhất nắn nót chép những bài thơ hay, những câu nói nổi tiếng.

GS. Chu Hảo nói: "Suốt mấy chục năm nay, trong tất cả các cấp học từ phổ thông cho đến đại học, người ta chưa bao giờ nghĩ đến phương án tập cho học sinh có thói quen đọc sách, hướng dẫn các em lựa chọn sách, cách đọc sách. Ba yếu tố thói quen đọc sách, khả năng lựa chọn sách và cách đọc sách hợp thành cốt lõi của cái chúng ta gọi là văn hóa đọc. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy trẻ em những điều này ngay từ khi các em còn nhỏ, cứ thế liên tục cho đến khi các em vào đại học. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe - nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe - nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức, văn hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe - nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình".

Đôi khi ở sân bay hoặc bể bơi của một resort, tôi thấy nhiều phụ nữ nước ngoài thư giãn với một cuốn sách. Mang theo một cuốn sách đi du lịch để tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi là thói quen họ đã có từ nhỏ. Ở xứ ta vẫn có rất nhiều người thích đọc sách, nhưng người biết chọn lựa sách phù hợp với mục đích sống của bản thân không nhiều, hoặc chỉ phô diễn thói quen đọc sách trên mạng xã hội để "làm màu".

Không có nền tảng văn hóa đọc và đối diện với sự phức tạp của văn hóa nghe - nhìn, văn hóa mạng quả là thách thức đối với mỗi người. Hơn lúc nào hết, một quy định của Hiến pháp về tự do ngôn luận đang trở nên đúng với thực tiễn khi mạng xã hội, các blog cá nhân đang trở thành một cá thể ngôn luận tự do.

Vậy nếu không được trang bị nền tảng văn hóa đọc, không được hướng dẫn cách lựa chọn sách để đọc và cách đọc, một người trẻ sẽ như thế nào trước cơn lốc thông tin trên mạng xã hội?

Hãy nhớ rằng một người Việt mỗi ngày sử dụng mạng xã hội trên 2 tiếng rưỡi, và đã xuất hiện những "thủ lĩnh mạng", những người mỗi ngày đưa lên mạng xã hội tin tức, bình luận, bài viết có khả năng thu hút từ 1.000 - 10.000 người đọc, còn nhiều hơn lượng độc giả của một tờ báo trung bình. Kéo theo họ là những từ chúng ta đã thấy quen thuộc như "đám đông giận dữ trên mạng", "anh hùng bàn phím".

Nếu như các giáo sư xã hội học, các nhà văn hóa đi nói chuyện phải rất khó khăn mới tập hợp được 100 sinh viên, thì các "anh hùng bàn phím" đang hút một lượng người đọc khổng lồ. Đưa thông tin và bình luận vô tội vạ, tạo ra một thứ văn nói trên mạng, không ngại dùng từ thiếu văn hóa để nhào nặn thông tin theo hướng người đọc chờ đợi, một sự chờ đợi mang tính bản năng, tức là thiếu định hướng và giáo dục, sống trong hoang mang, sợ hãi, hoặc sống trong "đống rác" văn hóa mạng mà không hay biết.

Một ngày đẹp trời, bạn có thời gian rảnh và cùng con vào mạng xã hội, bạn có giật mình không khi con bạn thoăn thoắt viết bình luận theo dòng thời sự cuộc tình của đại gia với ca sĩ, khóc cười theo những bước đi của cuộc ngoại tình, đổ vỡ và tìm người mới? Hãy cứu thế hệ trẻ trong gia đình bạn ra khỏi vũng lầy của văn hóa mạng!

>Đối diện nhan sắc

>Lên "Phây" xem gì?

>Nuôi dưỡng lòng tự trọng cho trẻ tuổi teen

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đối mặt với văn hóa mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO